Bất động sản vẫn là kênh tốt để tích luỹ và đầu tư

Thị trường bất động sản năm 2021 vẫn ổn định và là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nếu đang cân nhắc chuyển đổi những khoản đầu tư khác sang bất động sản ...

Hội Môi giới bất động sản vừa công bố dự báo khá lạc quan khi cho rằng: năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà sẽ tăng trở lại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sản phẩm này sẽ khan hiếm dần vì các địa phương cũng hạn chế cho phát triển dự án đất nền, chỉ còn chủ yếu ở những dự án đấu giá. Khả năng phục hồi kinh tế cũng sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng văn phòng hạng B, C từ các doanh nghiệp mới, dẫn đến thị trường cho thuê văn phòng sẽ có dấu hiệu phục hồi.

Cũng theo ông Hà, bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất và lắp đặt hàng hóa từ khu vực nước ngoài tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp trong nước. Nhiều khu công nghiệp mới tiếp tục tham gia thị trường. Nhiều dự án logicstic phục vụ khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển, có nhiều dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt.

LƯỢNG ĐẦU TƯ LỚN ĐANG CHỜ ĐỢI

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, thị trường này vẫn ổn định và là cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang nhằm bảo toàn vốn. Bởi vì giờ đây thị trường đã có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả những bất động sản mang tính thanh khoản cao mà trước khó có thể tiếp cận.

Dữ liệu từ Bộ phận nghiên cứu Savills toàn cầu cũng chỉ rõ: thị trường văn phòng, nhà ở và lĩnh vực hậu cần tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong năm 2021. Đây là năm hứa hẹn sự phục hồi, tăng trưởng và mang tới nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Ông Rasheed Hassan, Giám đốc Bộ phận đầu tư xuyên biên giới tại Savills nhận định: "Các dự báo đầu tư của chúng tôi cho thấy, bất chấp những tác động bất lợi từ Covid-19 đối với bất động sản, vẫn còn lượng đầu tư lớn đang chờ đợi để nhắm vào các thị trường mục tiêu ngay khi tình hình dịch trở nên lạc quan hơn. Lĩnh vực hậu cần, bất động sản công nghiệp tiếp tục là lựa chọn hàng đầu trong năm nay. Lĩnh vực văn phòng được dự đoán quay lại hoạt động tích cực ngay khi các chương trình liên quan tới vaccine được triển khai rộng rãi trên thế giới".

Bất động sản vẫn là kênh tốt để tích luỹ và đầu tư  - Ảnh 1.

Nguồn cung căn hộ tương lai ước tính đến năm 2024

Báo cáo của Savills Hà Nội cho biết thêm: "Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng GDP lạc quan trong năm 2020. Việc kiểm soát Covid-19 hiệu quả, cùng ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã đem lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư ngành sản xuất, hậu cần, công nghiệp tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực thị trường văn phòng, dữ liệu mới đây của Savills cho thấy thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số thuê ổn định, mức chênh chỉ đạt 0,5% so với cùng kì năm ngoái, trong bối cảnh các thị trường lớn khác đã có mức chênh lệch đáng kể do ảnh hưởng Covid-19. Savills kỳ vọng thị trường văn phòng tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2021, với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng du khách quốc tế tăng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi về kinh tế và nhân khẩu học ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong ngắn hạn, lãi suất thấp có khả năng vẫn tiếp tục sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động giao dịch ngành bất động sản". Cũng theo đơn vị này, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới toàn bộ nền kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng, phân khúc bất động sản nhà ở, bao gồm căn hộ, biệt thự và nhà phố vẫn ghi nhận những khởi sắc trong suốt năm 2020 vừa qua. Nguyên nhân lớn nhất có thể kể đến là sự hạn chế về nguồn cung ra thị trường.

Trong năm 2021, với những dấu hiệu tốt như xuất hiện vaccine phòng ngừa dịch bệnh, cùng những thay đổi về luật và sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự phát triển hạ tầng sẽ kích thích nhu cầu nhà ở. Đồng thời, biến động kinh tế phức tạp khiến chi tiêu của đa số người dân thận trọng hơn trước, vì thế nhu cầu mua bất động sản vừa túi tiền như căn hộ hạng C vẫn chiếm ưu thế trong năm nay. Phân khúc này sẽ hoạt động tốt trong thời gian tới bởi tình hình kinh tế tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Lãi suất có xu hướng giảm, lượng hàng tồn thấp và nguồn cung mới còn hạn chế và chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh kích cầu với nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, loại hình biệt thự và nhà phố thương mại tiếp tục được ưa chuộng, nhà ở liền thổ giá cao được cung cấp ra thị trường nhiều hơn và được hấp thụ tốt.

Savills nhấn mạnh: "Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia châu Á có sự tăng trưởng về tầng lớp giàu có (với lượng tài sản lớn hơn 1 triệu USD). Tầng lớp này ở Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng trung bình 65% mỗi năm trong 5 năm tới. Ngoài ra, năm nay, lãi suất vay mua nhà được kì vọng sẽ tiếp tục giảm và bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích, nên nhu cầu cho phân khúc BĐS liền thổ dự kiến sẽ tiếp tục tăng".

THỊ TRƯỜNG SẼ KHÔNG SỤT GIẢM

Trong khi đó, kết quả khảo sát do CBRE thực hiện mới đây cũng ghi nhận, hầu hết trong hơn 490 nhà đầu tư tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được hỏi về ý định và kế hoạch đầu tư bất động sản của họ trong năm 2021 đều thể hiện sự quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Đặng Phương Hằng, tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, đánh giá: "Các tài sản bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh được cho là có nhiều tiềm năng để tăng giá trị và tỷ suất sinh lời cao. Thú vị hơn nữa, các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Đông Nam Á cho biết sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các bất động sản trong năm tới. 39,4% những nhà đầu tư này sẵn sàng trả giá cao hơn 10% so với năm 2020 và 19,7% sẵn sàng trả nhiều hơn mức 10%. Nhà đầu tư tìm kiếm tài sản có tiềm năng tăng giá trị và tài sản cốt lõi và một số bắt đầu tìm kiếm tài sản đang bị áp lực tài chính. bất động sản công nghiệp/kho vận và văn phòng tiếp tục là loại hình được tìm kiếm, trong khi bất động sản du lịch dần phục hồi".

Còn ông Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, châu Á-TBD của CBRE nêu quan điểm: "Sự gia tăng mức độ quan tâm đến các tài sản cốt lõi cho thấy các nhà đầu tư đang chú trọng vào dòng tiền ổn định. Các tài sản có hợp đồng thuê và giá thuê ổn định trong ba năm tới hoặc lâu hơn đang hấp dẫn hơn nhiều so với các loại tài sản khác".

Theo nhiều chuyên gia, thực tế trên cho thấy, mặc dù dịch bệnh Covid–19 còn diễn biến phức tạp nhưng các nhà đầu tư đang rất lạc quan về tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho rằng, với giả định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được ít nhất như năm 2020, lãi suất tiền gửi và lãi suất huy động như năm 2020, biên độ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 30%, tỷ giá hối đoái và tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát tốt. Do vậy, bức tranh xấu nhất của thị trường nhà ở trong năm 2021 là giá cả sẽ bằng năm 2020, ngoài ra giá chỉ có thể tăng nếu không xảy ra những biến cố khác.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác như thương mại dịch vụ, vận tải, du lịch hàng không, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, thị trường này được dự đoán sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá như giai đoạn 2010 - 2011. Bởi tình hình hiện tại khác trước rất nhiều.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam

Đại diện Savills Việt Nam cũng cho rằng, nếu như thế hệ trước, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh, dịch bệnh, nhà đầu tư cá nhân thường tích trữ vàng.Tuy nhiên, giờ đây, bất động sản luôn là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng. Năm 2021 là thời điểm cho các nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang bất động sản.

Đồng thời cũng phải cân nhắc: nếu họ sử dụng đòn bẩy kinh tế thì liệu họ có còn khả năng chi trả cho đến lúc thị trường tốt như kì vọng để bán hay không? Đối với những người có năng lực tài chính dồi dào thì họ có thể "lướt", không thì cho thuê, vì đó là tài sản của họ. Nhưng nhà đầu tư nếu phải dùng đòn bẩy quá lớn thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.