Bất động sản Long An “đón sóng” đầu tư mới

Sau thời gian khá im ắng, hiện làn sóng đầu tư vào thị trường BĐS Long An đã chộn rộn trở lại. Trong đó, các dự án quy mô, hạ tầng đầu tư bài bản, tiện ích chỉn chu nhận được sự quan tâm hơn cả của nhà đầu tư (NĐT) địa ốc.

Đón làn sóng đầu tư công nghiệp

Theo định hướng phát triển, 4 huyện gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An được chọn để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, là những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Chính vì thế, các khu vực này đã và đang được đầu tư “mạnh tay” hơn cả về hạ tầng giao thông lẫn các cụm khu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Long An.

Đặc biệt, khu vực Đức Hòa có lợi thế giáp ranh với Tp.HCM đang nổi lên là vùng đất tiềm năng của tỉnh này. Đồ án quy hoạch Tp.HCM và vùng phụ cận đã xác định huyện Đức Hòa và Cần Giuộc là hai đô thị vệ tinh của Tp.HCM. Trong quy hoạch tổng thể phát triển xã hội của Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Đức Hòa được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ khu vực Đông Bắc.

Những lợi thế này đã đưa Đức Hòa trở thành địa điểm lý tưởng hàng đầu Long An để phát triển công nghiệp lẫn các đô thị nhằm thỏa mãn nhu cầu giãn dân của Tp.HCM. Đó cũng là lý do vì sao suốt thời gian qua nhiều đại gia BĐS như Vingroup, Trần Anh Group, Thắng Lợi Group, Cát Tường Group… đã tập trung đầu tư những dự án quy mô lớn tại khu vực này.

Mới đây, dự án KCN Đức Hòa III - Slico có tổng diện tích hơn 195ha đã được khởi công tại huyện Đức Hòa, Long An. Đây là KCN lớn thứ ba trong cụm 13 KCN của Đức Hòa III. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến. Dự án này kì vọng sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp phía Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Long An.

Bất động sản Long An “đón sóng” đầu tư mới - Ảnh 1.

Các dự án BĐS tại Long An được đầu tư đồng bộ hạ tầng, tiện ích và dịch vụ vẫn thu hút nhà đầu tư

Như vậy để thấy, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 khiến nhiều NĐT quyết định dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội đón làn sóng nhà đầu tư ngoại sau dịch bệnh. Theo các chuyên gia, BĐS công nghiệp và BĐS nhà ở có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. 

Tại các địa phương tập trung các KCN có quy mô lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Long An...đều hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới trong bán kính gần 5-10km tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ phục vụ cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí của đông đảo lao động làm việc tại các KCN, trong đó có cả đội ngũ chuyên gia và các thành phần lao động.

Long An là khu vực đang có nhiều lợi thế về câu chuyện này. Ngoài ra, tỉnh này cũng đang tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng loạt tuyến đường trọng điểm kết nối với các khu vực lân cận, đặc biệt là Tp.HCM. Trong đó, đường Vành đai 4 (đi qua 5 tỉnh là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM và Long An, dài 198km) khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc giải phóng giao thông, tạo đà phát triển hạ tầng, kinh tế, BĐS khu vực này.

Đoạn 4 của vành đai này từ QL22 (Củ Chi, TP.HCM) – cao tốc Tp.HCM (Bến Lức – Long An). Bắt đầu tại quốc lộ 22 đi theo ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đấu nối với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.

Như vậy, sau khi hình thành đường vành đai 4 cùng với dự án đường Vành đai 3 (đang kêu gọi đầu tư) đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đưa vào khai thác sẽ tạo sự đồng bộ kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo ra sức bật mới trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Theo nhận định từ các chuyên gia, tuyến đường vành đai 4 đóng vai trò lớn giúp hạ tầng khu Tây trở nên phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Một điều hiển nhiên, hạ tầng và BĐS nơi đây cũng có sự tăng giá theo. Thực tế cho thấy, nơi nào có hạ tầng giao thông thuận tiện, tiến bộ thì kinh tế nơi đó phát triển rầm rộ, đồng thời kéo theo các giá trị gia tăng về BĐS.

BĐS nhà ở bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

Ghi nhận cho thấy, thời gian gần đây, “sóng ngầm” BĐS bắt đầu dồn về khu vực Đức Hòa - nơi vừa có địa thế giáp ranh Tp.HCM, vừa là khu vực có tốc độ tăng trưởng về BĐS mạnh mẽ hơn cả so với các khu vực khác. Theo đó, những dự án quy mô được đầu tư hạ tầng chỉn chu, tiện ích đồng bộ vẫn được NĐT tìm kiếm. Mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các dự án này cũng rõ nét hơn do đáp ứng được nhu cầu sống xanh, sống chất lượng của số đông người tiêu dùng.

Đặc biệt khi mà làn sóng công nghiệp đang dồn về khu vực này thì đây là cơ hội cho NĐT, cho thị trường BĐS Đức Hòa, Long An bước vào đà tăng trưởng mới.

Theo ghi nhận, những NĐT cá nhân đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội ở thị trường còn nhiều tiềm năng. Không thể phủ nhận, giá đất ở Long An nói chung, khu vực Đức Hòa nói riêng còn khá “mềm” so với những tỉnh thành lân cận Tp.HCM nên nhiều NĐT về đây “xuống tiền” kì vọng dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Bất động sản Long An “đón sóng” đầu tư mới - Ảnh 2.

Bên cạnh sự phát triển của các cụm khu công nghiệp, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản đang thúc đẩy giá trị BĐS của khu vực vệ tinh Tp.HCM

Đối với nhu cầu ở thực, nếu như trước đây người Sài Gòn mua nhà đất vùng ven chủ yếu để đầu tư hoặc an cư thì hiện nay xuất hiện làn sóng đầu tư mới, đó là mua để sở hữu ngôi nhà thứ hai, vừa đầu tư kinh doanh, vừa nghỉ dưỡng lại vừa là “của để dành” cho tương lai. Chính vì thế, thay vì chọn đất nền không có khả năng kinh doanh thương mại, đa phần khách hàng hiện nay lựa chọn những dự án đô thị được quy hoạch bài bản và xây dựng đồng bộ trong môi trường sinh thái trong lành.

Từ câu chuyện phát triển BĐS công nghiệp đến hạ tầng cùng thế mạnh liên kết vùng đã tạo động lực tăng trưởng cho BĐS Long An suốt thời gian qua. Loạt khu KCN hiện hữu như KCN Hải Sơn, KCN Đức Hòa, KCN Xuyên Á, KCN Tân Tạo, KCN Đức Hòa Đông,... đang là đòn bẩy giúp thị trường BĐS địa phương này hút dòng tiền của người mua. Với những dự án BĐS tọa lạc gần các KCN sẽ được hưởng lợi thế của việc cư dân hình thành sẵn, BĐS vì thế dễ chuyển nhượng, dễ bán ra hoặc cho thuê lại với giá tốt.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land, BĐS công nghiệp và BĐS nhà ở luôn song hành cùng nhau. Cơ hội cho BĐS công nghiệp tăng tốc cũng chính là cơ hội cho BĐS nhà ở phát triển mạnh. Vì thế, các khu vực hưởng lợi từ sự phát triển của cụm công nghiệp sẽ có lợi thế rõ nét để thu hút sức cầu cho thị trường BĐS.

Tuy nhiên, cần có giải pháp phát triển phù hợp giữa câu chuyện phát triển đồng bộ và song hành dựa trên đánh giá kỹ về nhu cầu thực về nhà ở tại các KCN để có giải pháp quy hoạch và phát triển dòng sản phẩm phù hợp thị trường.