Bất động sản (BĐS) vẫn là kênh đầu tư hiệu quả
Tính từ đầu năm 2024, nền kinh tế nhìn chung đã phục hồi tích cực sau thời kỳ nhiều biến động. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, cao hơn 3,84% so với cùng kỳ năm 2023. Trên nền tảng tăng trưởng của kinh tế, thị trường đầu tư cũng sôi động trở lại và ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các kênh đầu tư.
Gửi tiết kiệm ngân hàng vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, không thể đuổi kịp tốc độ lạm phát, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng và đổ vào các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn.
Theo Batdongsan.com.vn, hầu hết các kênh đầu tư ghi nhận dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2023. Giá cổ phiếu tăng 19%, giá vàng SJC tăng 17% và tỷ giá USD tăng 8%. Đáng chú ý, BĐS đang là kênh có lợi suất đầu tư dẫn đầu với giá rao bán trung bình trong nửa đầu năm 2024 tăng 24% so với đầu năm 2023.
Chỉ riêng quý II, nguồn cung BĐS mới và lượng giao dịch thị trường lần lượt tăng 3 lần và 2,4 lần so với quý I. Không chỉ cho thấy BĐS đang là kênh hút nguồn tiền mạnh mẽ, lượng giao dịch tăng mạnh còn phản ánh chất lượng nguồn cung và nhu cầu lớn của thị trường đối với các sản phẩm uy tín.
Thêm thuận lợi tạo động lực cho thị trường BĐS
Mặt khác, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 được đánh giá là có tác động mạnh đến BĐS, đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho thị trường nhà đất và phát triển đô thị.
Các giai đoạn của dự án được quy định rõ từ chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đến đưa vào vận hành khai thác, sẽ giúp minh bạch, rõ ràng về trình tự, thủ tục của dự án BĐS.
Đặc biệt, đối với "điểm nóng" của thị trường là các vấn đề pháp lý, khi năm 2023, cả nước có tới hơn 1.200 dự án bị vướng mắc liên quan đến pháp lý (thống kê của Bộ Xây dựng), 3 bộ luật mới cũng được kỳ vọng có thể giải quyết và tháo gỡ, từ đó thúc đẩy nguồn cung cho thị trường.
Ba bộ luật mới chính thức triển khai hợp lực cùng đà tăng trưởng vốn tích cực của BĐS được xem là hai yếu tố cộng hưởng giúp giới đầu tư gia tăng niềm tin vào những tín hiệu đáng mừng của thị trường trong thời gian tới.
Những sản phẩm chất lượng được "chọn mặt gửi vàng"
Trước bối cảnh thuận lợi nêu trên, hiện tại đang là thời điểm vàng để lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, bước sang chu kỳ tăng trưởng mới, thị trường đã có sự sàng lọc mạnh mẽ, đặt ra những tiêu chuẩn mới để xác định sản phẩm uy tín, có chất lượng và giá trị thực.
Là thị trường vốn năng động, được đánh giá là có tốc độ phục hồi tốt sau biến động, hội tụ nhiều động lực tăng trưởng với nguồn cung BĐS dồi dào, Phú Quốc có thể được xem là ví dụ điển hình cho sự chọn lọc của dòng tiền đầu tư.
Đặc thù của thị trường Phú Quốc là có sự chênh lệch khá rõ ràng giữa nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng và để ở. Mỗi năm, thị trường này cung cấp từ 2.000 - 3.000 sản phẩm nghỉ dưỡng (số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam), dẫn đến thực trạng bão hòa, cung đang vượt cầu. Trong khi đó, các dự án BĐS để ở, sở hữu lâu dài, lại khá khan hiếm do thành phố này chỉ đưa vào quy hoạch 8% là đất đô thị để ở, và quỹ đất trống đang cạn dần do tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ.
Thêm vào đó, thay vì đơn thuần là một đảo du lịch, Phú Quốc xác định phát triển đô thị theo hướng bền vững, trở thành thành phố đáng sống, nơi gắn bó lâu dài của cộng đồng cư dân văn minh. Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học mạnh mẽ (dự kiến tăng ~18% mỗi năm và cán mốc 680.000 người vào năm 2040) sẽ tạo nguồn cầu khổng lồ cho thị trường nhà ở tại thành phố này. Từ đó, bất động sản để ở, sở hữu lâu dài đương nhiên trở thành mục tiêu hàng đầu mà giới đầu tư sành sỏi nhắm đến tại Đảo Ngọc.
Tại các thị trường khác trên cả nước, xem xét chênh lệch cung cầu cũng là yếu tố hữu ích để xác định sản phẩm đáng xuống tiền. Bên cạnh đó, pháp lý, vị trí, uy tín chủ đầu tư… cũng là các tiêu chí quan trọng bảo chứng cho giá trị, tính thanh khoản và tiềm năng sinh lời trong tương lai của sản phẩm.