Bất động sản công nghiệp vẫn 'khoẻ'

Được đánh giá là phân khúc duy nhất lội ngược dòng khó khăn chung của thị trường, bất động sản công nghiệp tiếp tục tỏa sáng và duy trì sức tăng trưởng mạnh mẽ. Phân khúc này vẫn đang chiếm ưu thế và dự báo vẫn điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư.
Bất động sản công nghiệp vẫn 'khoẻ' - Ảnh 1.

Bất động sản công nghiệp tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Đáng chú ý, động lực để bất động sản công nghiệp bứt phá chính là nhờ trợ lực từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các chuyên gia nhận định: Năm 2023, nếu như các phân khúc khác trên thị trường đồng loạt suy giảm nguồn cầu thì bất động sản công nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Hữu Trang - Giám đốc Công ty cổ phần IIP Bắc Hưng Hải nhận xét: Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Hoa Kỳ vừa qua cũng là nền tảng quan trọng cho việc thu hút các doanh nghiệp FDI lớn đến từ Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch Cổng thông tin bất động sản công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Hưng phân tích: Khác với những phân khúc bất động sản khác, một lượng lớn khách hàng của bất động sản công nghiệp là các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2023, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam nên dù nền kinh tế chung có khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn "khoẻ".

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

Trong tổng vốn đăng ký, số vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ; số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Những yếu tố vĩ mô này tác động tích cực đến thị trường bất động sản công nghiệp. Bởi, với lượng lớn vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam tiếp tục gia tăng thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về mặt bằng sản xuất, kho bãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn cầu và chỉ ghi nhận sự gia tăng chứ không hề sụt giảm trong suốt thời gian qua.

Đáng chú ý, sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư quốc tế đã khiến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, hiện cơ hội lại không chia đều cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư khu công nghiệp bởi có nơi "thừa đất" thì thiếu nhà đầu tư hoặc ngược lại.

Liên quan đến thực tế này, ông Đoàn Duy Hưng cho hay, sự chênh lệch trong việc phát triển bất động sản công nghiệp giữa các địa phương, vùng miền đến từ nhiều yếu tố như vị trí địa lý, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng…

Những địa phương có vị trí thuận lợi về giao thông, logistics, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư tốt, thân thiện, cởi mở và cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ... sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nơi không có được các lợi thế này.

Bởi vậy, chuyên gia này khuyến cáo, để đẩy mạnh thu hút đầu tư khu công nghiệp, các địa phương cần phải học hỏi lẫn nhau trong việc phát huy lợi thế của bản thân; đồng thời, không ngừng hoàn thiện để "nâng cấp chính mình". Bản thân các địa phương, chủ đầu tư cũng cần có sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực để cạnh tranh với những đối thủ khác.

Trong số đó, ưu tiên đầu tiên là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, logistics... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, thu hút nguồn lao động.... Song song với việc cải thiện môi trường đầu tư, các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất.... Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến đầu tư, đặc biệt theo hướng chủ động ra nước ngoài.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Hán Minh Cường, Công ty CP Tập đoàn S-Group Việt Nam dự báo: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là xu hướng tất yếu của ngành bất động sản công nghiệp. Việc nghiên cứu phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh là rất cần thiết. Các khu công nghiệp phải làm được điều này để đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với Quốc tế trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế lớn đang đặt ra yêu cầu cao về tiêu chí môi trường và công nghệ trong quá trình đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào các khu công nghiệp không chỉ đơn thuần đáp ứng điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và quy mô, mà còn là khả năng đáp ứng được các tiêu chí xanh và thông minh.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở Việt Nam còn nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Yêu cầu về tăng trưởng xanh, thông minh đối với các khu công nghiệp đang chịu chi phối của nhiều bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn.

Đặc biệt, nhiều quy định hướng dẫn về việc tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất nên khiến doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện. Các quy định về chuyển đổi số trong việc quản lý, sản xuất cũng chưa có khiến việc áp dụng thực tế hiện còn mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào khả năng của tùy doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đều lạc quan và kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt của phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2024. Bất động sản công nghiệp không chỉ là điểm sáng mà còn đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường bất động sản hồi phục trong thời gian tới.