Bất động sản có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm giá, tăng chiết khấu

Theo khảo sát, hiện BĐS chưa có hiện tượng giảm giá ở thời điểm này, ngoài việc chủ đầu tư (CĐT) đã kích cầu bằng cách là tăng khuyến mãi, giãn lịch thanh toán cho khách mua.

Theo đại diện hầu hết các sàn BĐS, hiện giá BĐS chưa có hiện tượng sụt giảm mạnh, có chăng một số nhà đầu tư (NĐT) cần tiền gấp, bán ra với giá ngang hoặc thấp hơn giá mua vào chút đỉnh. Còn những sản phẩm của CĐT chào bán chưa có hiện tượng giảm giá. Theo dự báo, nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có thể sẽ tính đến phương án giảm, tuy nhiên ở hiện tại theo đại diện các sàn rất khó để giảm giá. 

Theo JLL, tác động của Covid-19 lên giá có thể chưa được cảm nhận rõ ràng trong quý đầu năm 2020 do thiếu hụt nguồn cung vẫn còn. Hơn nữa, những NĐT vẫn cố gắng giữ mức giá mà họ đã lập ra từ trước khi dịch bùng phát. Tuy nhiên nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, các chính sách kích cầu có thể cần được xem xét.

Bất động sản có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm giá, tăng chiết khấu  - Ảnh 1.

Theo đơn vị này, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch mở bán tại một số dự án có khả năng sẽ bị tác động và trì hoãn, dẫn đến lượng bán dự kiến thấp hơn so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, giá thì chưa ghi nhận giảm rõ nét.

Cũng theo JLL, với quy định hạn chế tụ tập đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp mới lạ để duy trì doanh số như đặt chỗ trực tuyến, trao đổi qua email và ứng dụng liên lạc. Một chủ đầu tư thậm chí đã phát triển ứng dụng riêng của họ cho khách hàng để quản lý giao dịch và đầu tư trực tuyến.

Mới đây, đại diện Hiệp hội BĐS Tp.HCM khuyến cáo, nếu tình hình diễn biến phức tạp, để kích cầu bất động sản, CĐT có thể phải tính đến phương án giảm giá, tăng chiết khấu…

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, các CĐT đã và đang đẩy mạnh việc tăng chiết khấu, giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng nhưng chưa có kế hoạch giảm giá BĐS. Ở bối cảnh này dường như các doanh nghiệp đang sử dụng các cách ứng phó tùy vào tình hình của dịch bệnh và năng lực của mỗi doanh nghiệp.

Có một thực tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình chung thu nhập người lao động bị giảm, nên họ đang rất lo sắp đến thời gian bàn giao không có tiền nhận nhà. Tuy vậy, cũng không vì lý do này mà CĐT giảm giá, sẽ ảnh hưởng đến những người mua trước đó. Đối với NĐT, ở giai đoạn này đa số cũng lo tích trữ, hạn chế bung tiền nhưng đối tượng này mua được giá tốt do giá không tăng liên tục như thời gian trước dịch, mà giá ổn định hoặc tăng nhẹ. Còn những nền giảm giá đa phần là có vị trí không đẹp hoặc diện tích quá lớn.

Theo một chuyên gia, trong thời gian tới, phân khúc căn hộ cao cấp và đặc biệt là những dự án sắp bán mới sẽ gặp khó khăn hơn. Có thể CĐT phải tính đến phương án giảm giá để có được khách mua. Còn đối với đối tượng cần mua ở giai đoạn này thì khác, đây là cơ hội để mua được giá tốt hơn. Họ vẫn tìm kiếm những chung cư sắp bàn giao để làm nơi an cư với mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn.