Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Mới đây, Thông tin Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sáp nhập với Tp.HCM theo Nghị Quyết 60- NQ/TW gây chú ý cho thị trường bất động sản khu vực. Khi sáp nhập vào Tp.HCM, người mua bất động sản nơi đây sẽ giải toả được tâm lý “nhà ở tỉnh”, đồng thời các khu vực này được các chuyên gia dự báo có đợt “định giá lại” về mặt bằng giá bất động sản.

Suốt thời gian qua, thông tin sáp nhập tỉnh, thành gây xôn xao thị trường từ ngoài Bắc vào Nam. Ngày 12/4/2025, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị Quyết số 60-NQ/TW. Trong đó, danh sách 34 tỉnh thành sau sáp nhập, hợp nhất và dự kiến tên gọi, trung tâm hành chính được nêu tại Nghị quyết. Thông tin này đã phần nào làm rõ hơn việc sáp nhập tỉnh, thành.

Trước đó, dù thông tin chưa chính thức nhưng các bên tham gia thị trường đều trong tâm thế hồ hởi và kì vọng bức tranh bất động sản thay đổi trong thời gian tới. Nếu phía Bắc, các khu vực dự tính sáp nhập, giá nhà đất đã rục rịch tăng thì phía Nam tâm lý người mua cũng rộn ràng không kém.

Chia sẻ mới đây, ông Trần Khánh Quang, một người có nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cho hay, nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào Tp.HCM thì bất động sản khu ven sẽ phát triển vượt bậc. Kinh tế - xã hội của 3 khu vực này có thể so sánh với các đô thị lớn trên thế giới khi kết hợp được 3 yếu tố công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.

Cụ thể, Bình Dương trước nay đã được quy hoạch công nghiệp rất tốt, kết cấu cũng thuận lợi cho việc xây dựng các dự án; Bà Rịa – Vũng Tàu đang phát triển mạnh về cảng biển. Theo đó, nếu đưa Bình Dương, Tp.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào một cương giới hành chính thì sẽ tận dụng được các ưu thế của cả ba và thực hiện tầm nhìn hướng đến kinh tế biển, kinh tế xanh và kinh tế số.

Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Mặt bằng giá bất động sản Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể "định giá lại" khi sáp nhập với Tp.HCM. Ảnh: Minh hoạ

Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho hay, việc sáp nhập Tp.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành công tạo nên siêu đô thị mới quy mô dân số lớn, diện tích khoảng 6.000 km2, sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (top 20 cảng container lớn nhất thế giới), và mạng lưới khu công nghiệp (KCN) hàng đầu Đông Nam Á.

Khi đó, kinh tế các khu vực sẽ bứt phá. Nhu cầu nhà ở, văn phòng, thương mại sẽ tăng vọt, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hay Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Cùng với đó, các dự án hạ tầng trọng điểm được đẩy mạnh, thu hút thêm các nhà đầu tư FDI tạo ra được lợi thế và tiết kiệm logictics, dòng vốn đầu tư ổn định sẽ kích thích đầu tư bất động sản.

Ông Tuấn cho rằng, giá bất động sản tại các khu vực giáp ranh như Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) hay Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện thấp hơn nhiều so với trung tâm TP.HCM. Khi sáp nhập, khoảng cách giá này tạo cơ hội cho nhà đầu tư đón đầu xu hướng. Giá trị bất động sản các khu vực này sẽ gia tăng. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trường, CEO Liên doanh Nhật (Cosmos Initia, TT Capital và Koterasu Group) cho rằng, việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào Tp.HCM chắc chắn mặt bằng giá của các khu vực giáp ranh Tp.HCM sẽ diễn biến tích cực. Chẳng hạn những khu vực như Tp.Dĩ An, Tp.Thuận An vốn có hệ thống hạ tầng và tiện ích phát triển hoàn chỉnh, lại có khoảng cách gần với Tp.HCM. Các tiện ích của các khu vực này kết nối trực tiếp với trung tâm Tp.HCM qua các tuyến đường giao thông lớn. Thời gian di chuyển từ khu vực này vào trung tâm Tp.HCM chỉ từ 25-30 phút.

Tuy nhiên, trước đến nay do ranh hành chính vẫn là Bình Dương nên mặt bằng giá bất động sản nơi đây thấp hơn nhiều so với các dự án có vị trí và chất lượng tương đương thuộc Tp.HCM. Vì thế, khi chính thức sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào Tp.HCM sẽ giải tỏa được tâm lý "nhà ở tỉnh". Bất động sản các khu vực này sẽ diễn ra đợt "định giá lại" để đúng với giá trị của khu vực Tp.HCM.

Theo ông Trường, những năm gần đây, tại Tp.HCM "tuyệt chủng" dòng căn hộ giá vừa túi tiền trong ngưỡng giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, Bình Dương nhờ giá đất còn thấp hơn và pháp lý thông thoáng nên nguồn cung căn hộ tầm trung khá dồi dào. Nếu sáp nhập, nguồn cung này sẽ đáp ứng được nhu cầu mua nhà của rất nhiều người dân Tp.HCM, vốn lâu nay đang bị rào cản về mặt bằng giá cao của Tp.HCM và tâm lý địa phận hành chính Tp.HCM – Bình Dương. Điều này sẽ giúp nhu cầu tự động gia tăng trên thị trường bất động sản Bình Dương, khiến mặt bằng giá sẽ thay đổi.

Chưa kể, khi Bình Dương và Tp.HCM là một ranh giới hành chính thì các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Cao tốc Tp.HCM- Thủ Dầu Một – Chơn Thành; các tuyến metro, mở rộng Quốc lộ 13... sẽ được triển khai đồng bộ và nhanh chóng hơn; hình thành thêm như thành phố trực thuộc Tp.HCM, tương tự như Tp.Thủ Đức. Điều này giúp gia tăng giá trị cho bất động sản các khu vực giáp ranh.

"Nếu thực sự Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào Tp.HCM sẽ hình thành nên một siêu đô thị với hơn 12 triệu dân và gia tăng lợi thế cạnh tranh kinh tế cho Tp.HCM. Các khu công nghiệp tại Bình Dương với giá đất rẻ hơn Tp.HCM sẽ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài; các cảng biển và đường bờ biển dài Bà Rịa – Vũng Tàu giúp phát triển giao thương và thu hút du lịch. Những điều sẽ tăng giá trị bất động sản của Tp.HCM nói riêng, ba khu vực nói chung", ông Trường nhấn mạnh.

Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Trước đó, dù thông tin chưa chính thức nhưng các bên tham gia thị trường đều trong tâm thế hồ hởi và kì vọng bức tranh bất động sản thay đổi trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, CEO Liên doanh Nhật cho hay, đơn vị đang triển khai căn hộ TT AVIO (Tp.Dĩ An, Bình Dương) ra thị trường với mức giá từ 32 triệu đồng/m2. Hiện Liên doanh ra hai chính sách góp 9 triệu đồng/tháng ở hai thời điểm khác nhau, ưu đãi đặc biệt cho khách mua. Cụ thể, chính sách "sở hữu nhà chỉ với 9 triệu đồng/tháng" được áp dụng ngay sau kí hợp đồng mua bán 30% (khoảng 500-600 triệu đồng). Sau giai đoạn này, khách mua chỉ góp đều đặn 9 triệu đồng mỗi tháng, thời hạn 2 năm. Liên doanh không bắt khách mua nhận nợ, không vay ngân hàng. Số tiền 9 triệu đồng/tháng sẽ được trừ vào tổng số tiền thanh toán khách mua căn hộ. Điều này giúp khách hàng tránh được rủi ro nhận nợ sớm, đồng thời rất có lợi cho những người không chứng minh được thu nhập hay đã vay nhưng muốn mua thêm bất động sản...

Khách hàng mua TT AVIO chỉ bắt đầu nhận nợ kể từ thời điểm nhận nhà sau 2 năm. Nếu chưa có tích lũy đủ để đóng tiếp cho chủ đầu tư sau bàn giao thì Quỹ Nhật liên kết đối tác ngân hàng hỗ trợ khách mua TT AVIO gói thanh toán đặc biệt, chỉ góp 9 triệu đồng/tháng, lãi suất cố định 8,5-9% trong vòng 5 năm. Gói ưu đãi này hỗ trợ người mua 3 không: Không giới hạn độ tuổi, không hạn chế thời gian giải ngân trong năm 2025 và không hạn chế tổng hạn mức gói tài trợ. Đây vừa là giải pháp tối ưu, giúp người mua không quá lo lắng "xoay sở" dòng tiền để đóng tiếp vào căn hộ khi nhận nhà, vừa thể hiện tiềm lực tài chính vững của Liên doanh Nhật.

Cũng đánh giá về tác động của thông tin sáp nhập các tỉnh vào Tp.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Giám đốc kinh doanh Phú Đông Group nhấn mạnh,  việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với Tp.HCM tạo ra nhiều kỳ vọng về sự phát triển hạ tầng và kinh tế cho các khu vực, đồng thời thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và người mua bất động sản.

Theo bà Thảo, người mua có tâm lý kì vọng vào việc tăng giá của bất động sản. Khi có thông tin sáp nhập, nhiều người tin rằng bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hưởng lợi từ vị thế mới, giống như các quận ngoại thành khi được sáp nhập vào Tp.HCM trước đây (Thủ Đức, Bình Chánh…). Điều này thúc đẩy tâm lý mua sớm để "đón sóng".

Cùng với đó, thông tin này hấp dẫn người lao động và người trẻ. Nếu Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành một phần của TP.HCM, các phúc lợi xã hội như hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế sẽ được đầu tư nhiều hơn, giúp thu hút người mua trẻ đang tìm kiếm căn hộ giá tốt hơn.

Chưa kể, thông tin này còn thúc đẩy nhu cầu đầu tư. Nhà đầu tư có thể xem đây là cơ hội sinh lời trong trung và dài hạn, đặc biệt với loại hình căn hộ tầm trung, nhà phố, đất nền tại các khu vực có khả năng phát triển mạnh sau khi sáp nhập.

Bên cạnh tâm lý tích cực, theo bà Thảo, vẫn sẽ nhóm lớn người mua mang tâm lý thận trọng. Họ sẽ chờ đợi, có thể tạm hoãn quyết định mua để xem giá cả biến động thế nào. Điều này có thể làm chậm lại giao dịch trong ngắn hạn. Người mua lo ngại giá đất bị "thổi phồng", một số môi giới tận dụng tin tức để tăng giá đất ảo, khiến người mua e ngại việc mua phải bất động sản đã bị đẩy giá quá cao. Nếu sáp nhập diễn ra, một số dự án có thể bị rà soát lại về pháp lý, quy hoạch hoặc tiến độ triển khai, tạo tâm lý bất an cho người mua.

Thế nhưng, nhìn chung, Giám đốc kinh doanh Phú Đông cho rằng, nếu việc sáp nhập diễn ra thì cả giá, nguồn cung và nhu cầu bất động sản đều gia tăng. Vị này cho biết, từ sau Tết Nguyên Đán, giỏ hàng đang chào bán của dự án Phú Đông Sky Garden và Phú Đông SkyOne nhận được rất nhiều sự quan tâm và giao dịch thành công ghi nhận 10 giao dịch/tuần. Đến nay, lượng quan tâm giỏ hàng mới vẫn tăng và ghi nhận thanh khoản ở các giao dịch chuyển nhượng cũng rất tốt. Nhiều người mua còn tỏ ra "sốt sắng" trước thông tin Bình Dương có thể sáp nhập với Tp.HCM, giá bất động sản sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.