Bất cập thực hiện giao đất dịch vụ tại Hoài Đức: Khiếu kiện kéo dài chưa thể giải quyết

Gần 20 năm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, nhiều hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp và dự kiến được đền bù bằng đất dịch vụ. Tuy nhiên, do chính sách chồng chéo, bất cập dẫn đến cản trở trong việc thực hiện giao đất dịch vụ.
Bất cập thực hiện giao đất dịch vụ tại Hoài Đức: Khiếu kiện kéo dài chưa thể giải quyết

Ngày 25/12/2024, nhiều hộ dân tại xã Lại Yên, Hoài Đức tụ tập khiếu kiện vì chưa được giao đất dịch vụ

Người dân mòn mỏi chờ đợi

Nhiều người dân quận Hà Đông, huyện Hoài Đức... đang đối mặt với khó khăn lớn khi gần 20 năm chờ đợi đất dịch vụ, vẫn chưa được nhận, trong khi nhiều khu đất dịch vụ có hạ tầng bị bỏ hoang. Quyền lợi của người dân, từng được hứa hẹn sẽ ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất, đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Tại huyện Hoài Đức, hàng nghìn hộ dân cũng đang trong cảnh tương tự, khi đất nông nghiệp đã bị thu hồi từ lâu, nhưng đất dịch vụ vẫn chưa được giao.

Hiện tại, huyện Hoài Đức đã bố trí khu đất dịch vụ rộng 6,4ha tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức) và các đơn vị đang thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến sẽ có hơn 300 hộ tại xã An Khánh sẽ được bốc thăm, nhận đất dịch vụ trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu của MarketTimes, trước khi sáp nhập vào Hà Nội, nhiều tỉnh như Hà Tây, Vĩnh Phúc thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho người dân. Theo quy định, người bị thu hồi đất nông nghiệp từ 30% trở lên sẽ được hưởng chính sách giao đất dịch vụ bằng 10%, nhưng tối đa không quá 150m2/hộ (riêng ở Hà Đông thì không quá 50m2/hộ).

Số liệu của UBDN xã An Khánh (huyện Hoài Đức) cho thấy, trên địa bàn xã có khoảng 2.100 hộ được hưởng chính sách giao đất dịch vụ với diện tích 23,05ha. Tuy nhiên, đến nay mới giao được khoảng 60%. Tại xã Lại Yên, Hoài Đức nhiều hộ dân trả đất nông nghiệp nhưng vẫn chưa được đền bù đất dịch vụ. Chính vì thế, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua. Còn người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Bất cập thực hiện giao đất dịch vụ tại Hoài Đức: Khiếu kiện kéo dài chưa thể giải quyết

Ngày 25/12/2024, người dân xã Lại Yên, Hoài Đức bức xúc yêu cầu Chủ tịch Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường thực hiện kết luận của TP. Hà Nội bàn giao đất dịch vụ

Để tháo gỡ từng bước những khó khăn cho người dân, hiện UBND huyện Hoài Đức đang đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực đã có mặt bằng sạch. Tại xã An Khánh, có 2 khu đất dịch vụ đất với diện tích 6,4ha đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện. Dự kiến, các hộ dân sẽ tiến hành bốc thăm và nhận đất theo bản đồ đã được bố trí sẵn, sẽ có từ 300- 400 hộ được nhận đất dịch vụ trong đợt tới.

Theo UBND TP. Hà Nội, tổng số nhu cầu đất dịch vụ để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố là 360,52ha với 55.580 hộ. Đến nay, thành phố hiện đã thực hiện giao đất cho 36.557 hộ với diện tích 248,33ha. Số hộ chưa giao đất dịch vụ là 19.023 hộ, diện tích 112,19ha.

Chính sách chồng chéo

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố là do sự phức tạp của các chính sách liên quan.

Các văn bản pháp lý về đất dịch vụ đã có nhiều thay đổi, khiến cho việc thực thi trở nên rắc rối. Đặc biệt, trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (ngày 1-8-2008), mỗi địa phương lại có những quy định riêng.

Chẳng hạn, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND, quy định các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được giao đất dịch vụ tương đương với 10% diện tích đất bị thu hồi, tối đa không quá 150m² (riêng Hà Đông là 50m²).

Còn theo Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các hộ bị thu hồi từ 40% diện tích đất nông nghiệp trở lên được giao đất làm dịch vụ.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc giao đất dịch vụ cho nhân dân, năm 2021, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin cơ chế đặc thù, giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng.

Bất cập thực hiện giao đất dịch vụ tại Hoài Đức: Khiếu kiện kéo dài chưa thể giải quyết

Bất cập thực hiện giao đất dịch vụ tại Hoài Đức: Khiếu kiện kéo dài chưa thể giải quyết

Hình ảnh khiếu kiện của người dân vào sáng ngày 25/12, tại Hoài Đức

Đến năm 2024, UBND thành phố tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp những vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ, từ đó tham mưu và đề xuất phương án giải quyết phù hợp.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương, với phương châm "việc nào gỡ được thì giao ngay", bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ dân, tránh khiếu kiện đông người.

Hiện tại, thành phố Hà Nội cũng mong Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, trên tinh thần tôn trọng các thỏa thuận về đất dịch vụ mà chính quyền địa phương đã thống nhất với người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng phát triển các dự án trước đó.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Không làm méo mó việc thực thi pháp luật

Giao đất dịch vụ cho người dân sau khi thu hồi đất là một chính sách mang tính nhân văn cao. Qua đó, giúp người dân có được kế sinh nhai bền vững, có "cần câu" để chuyển đổi nghề nghiệp. Hơn nữa, chính sách này bảo đảm rằng, người dân được hưởng phần lợi ích từ chênh lệch địa tô sau khi đất bị thu hồi, không bị mất trắng quyền lợi.

Điều này có nghĩa là khi các dự án đô thị, công nghiệp, giao thông… được triển khai, các nhà đầu tư được hưởng lợi từ chênh lệch địa tô thì người nông dân cũng được hưởng những giá trị gia tăng từ đất đai sau thu hồi.

Việc thanh, kiểm tra, rà soát lại về giao đất dịch vụ cho người dân chỉ nên tham khảo, định hướng, hoặc rút kinh nghiệm để xây dựng các chính sách tương lai tốt hơn. Không thể lấy đó làm cơ sở để bãi bỏ quyền lợi mà Nhà nước và các chủ đầu tư đã cam kết với người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng. Bởi, những thỏa thuận này đã được thống nhất và có hiệu lực. Việc xét lại những thỏa thuận không chỉ thể hiện sự bất nhất trong chính sách, mà còn đẩy khó khăn cho người dân, làm méo mó việc thực thi pháp luật...