Bao giờ Hà Nội có được quy hoạch thống nhất về không gian ngầm?

Công trình ngầm ở Hà Nội đang manh nha phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện, Hà Nội đang rất cần một quy hoạch tổng thể, với tầm nhìn dài hạn cho phát triển không gian ngầm.

Đến nay, thành phố Hà Nội chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, các chủ đầu tư xây dựng mới chỉ quan tâm phát triển phần nổi trên mặt đất. Royal City, Times City, tòa nhà Lotte Center... là những không gian tương đối hiện đại nhưng không gian ngầm của các công trình này còn thiếu tính liên kết với hệ thống giao thông.

“Khu dịch vụ dưới tầng hầm rất tiện ích. Nếu ở các khu khác cũng có hệ thống dịch vụ dưới tầng hầm thì sẽ tốt hơn, nếu được kết nối với hệ thống đường sắt thì càng tốt”, một người dân sống tại khu Royal City nói.

Hiện, Hà Nội đang nghiên cứu lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ ưu tiên phát triển không gian ngầm theo mô hình Phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng; kết hợp với các tuyến đường sắt đô thị, khuyến khích tạo lập tuyến đi bộ ngầm kết nối các khu vực bãi đỗ xe ngầm, thương mại, dịch vụ…

Theo các chuyên gia xây dựng, quy hoạch ngầm dưới lòng đất rất phức tạp, đòi hỏi sử dụng kỹ thuật hiện đại, liên quan đến địa chất, thủy văn, xây dựng và cả những yếu tố văn hóa, lịch sử... Đồng thời, cần có một đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, nguồn lực về tài chính lớn với tầm nhìn xa của quy hoạch không gian ngầm. Đô thị càng hiện đại, không gian ngầm càng phức tạp, thì chi phí đầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị càng lớn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể không gian ngầm một cách bài bản sẽ là tiền đề, cơ sở cho việc phát triển và quản lý công trình ngầm tại đô thị.

Tiến sỹ Trần Danh Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội, cho rằng, để phát triển không gian ngầm, thành phố Hà Nội cần có quy hoạch chi tiết, đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn kỹ thuật không gian ngầm đảm bảo tính thống nhất: “Quy hoạch phải rất chi tiết để nay mai ai đầu tư xây dựng không phải lo nay quy hoạch đúng, mai quy hoạch không đúng”.

Việc đầu tư xây dựng các công trình ngầm rất tốn kém, lại lâu thu hồi vốn, rủi ro cao trong quá trình xây dựng. Thực tế cho thấy, hầu hết những công trình này thường bị chậm tiến độ dẫn đến tăng chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu. Vì vậy, cùng với quy hoạch không gian ngầm, cần có những chính sách đối với nhà đầu tư mới có thể khuyến khích họ tham gia phát triển không gian ngầm.

“Hiện nay có BT, BOT rất nhiều hình thức đầu tư, nhưng vấn đề là Chính phủ cần có cơ chế chính sách rõ ràng về mặt tài chính đảm bảo cho nhà đầu tư”, ông Lê Quang Hanh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Fecon cho biết.

Không gian ngầm là tài nguyên cần được khai thác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị. Quy hoạch về không gian ngầm đô thị sẽ giúp Hà Nội xây dựng mô hình đô thị ngầm hướng tới cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững. Hiện nay, phần không gian nổi trong các đô thị đã được quản lý chặt chẽ, nhưng sở hữu, phân cấp đầu tư trong không gian ngầm lại chưa được tính đến. Đây là một bất cập, cũng là sự lãng phí rất lớn.

“Phần nổi chúng ta đã cấp quyền sử dụng đất, nhưng phần chìm dưới mặt đất chúng ta chưa xây dựng được quy định quản lý, cũng như sở hữu như thế nào, nên cần xây dựng sớm. Phần hầm có sở hữu của tư nhân, cũng có của nhà nước, cần có cơ chế để khuyến khích thì không gian ngầm mới đi vào hiện thực”, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội nêu ý kiến.

Nhìn ra một số nước trong khu vực, cách đây 50 năm, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân khi quyết định đầu tư hệ thống tàu điện ngầm lên tới 6 tầng do số tiền dự toán quá lớn. Thế nhưng, vị lãnh đạo này vẫn quyết tâm làm với phương thức: vừa huy động sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học, vừa kêu gọi, khuyến khích đầu tư tư nhân. Nói là làm. Tới giờ, người Singapore đã có thể tự hào về hệ thống giao thông ngầm hiện đại và tiện lợi nhất nhì thế giới, có sức chứa toàn bộ 6 triệu người dân quốc đảo Sư Tử trong trường hợp thiên tai, địch họa…

Với câu chuyện quy hoạch, phát triển không gian ngầm của Hà Nội, nếu lãnh đạo thành phố chưa thể hiện rõ cam kết khai thác không gian ngầm cho Hà Nội, chưa có quy hoạch rõ ràng về kế hoạch khai thác không gian đó thì thật khó để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Hà Nội đang cần một không gian ngầm đô thị mang tính tổng thể, đảm bảo sự khớp nối giữa công trình trên mặt đất và dưới mặt đất thành một thể thống nhất bằng tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo thành phố cùng khả năng quy tụ sức mạnh, trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà đầu tư để tương lai về những “thành phố” trong lòng đất không quá xa vời./.