"Đất quê giờ đắt lắm! Muốn mua được lô đất tốt, để xây nhà rộng rãi cũng phải tiền tỷ", chị Minh quê Thanh Hà, Hải Dương, hiện đang sống tại Mỹ Đình, Hà Nội cho hay. "Cuối năm 2021, bác hàng xóm quê tôi đã bán mảnh đất rộng 160m2 với giá 4 tỷ đồng, chỉ gia lộc 10 triệu đồng. Chi chí chuyển nhượng do bên mua tự lo. Lô đất này nằm trên trục đường xã. Tuyến đường liên xã cũng đang trải nhựa, nên giá lô đất này cũng đẩy lên tiền tỷ so với 1 trước. 4 tỷ này có thể mua được căn chung cư cao cấp ở trung tâm Hà Nội dễ dàng", chị Minh nói.
Những lô đất dọc trục đường xã tại huyện Thanh Hà, Hải Dương có giá lên tới tiền tỷ.
Chị Minh cũng cho biết thêm: "Từ ngày tôi lên Hà Nội đi học, đến nay là 7 năm, tôi không thấy quê mình thay đổi quá nhiều, chỉ trừ con đường xã mới trải nhựa lại. Còn khu chỗ tôi cũng mở thêm một cái chợ. Nhưng giá đất thì thực sự là đắt. Gần 3 năm trở lại đây, đất bỗng nhiên tăng rất nhiều. Vẫn chỉ là đường liên xã, đất nông thôn nhưng một lô đất ở quê có thể mua được mảnh đất Hà Nội. Một số lô đất nằm sâu trong đường thôn cũng lên tới 2-3 tỷ đồng. Đất ở quê tôi đắt tương đương với đất ở khu vực Diễn, Nhổn. Mẹ tôi bảo bây giờ về quê cầm 4 tỷ đồng chỉ mua được đất, muốn có cái nhà đàng hoàng cũng phải thêm 1 tỷ".
Anh Nguyễn Đức quê Ý Yên, Nam Định kể, nghe bạn bè về quê mua đất rẻ, sau bán lại kiếm nhiều lời, anh tính toán về quê để mua một lô đất. Thế nhưng, đến khi về khảo sát giá, anh mới giật mình vì giá đất đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm. Một lô đất nằm trên trục đường xã hiện tại lên tới 1,3 tỷ đồng. Lô đất sát trường tiểu học và cơ quan hành chính của xã từng được giao dịch vào thời điểm cuối năm 2021 là 6 tỷ đồng.
"Về quê đầu tư không hề dễ dàng vì đất cao tương đương Hà Nội. Tôi nhớ, trước đây, lô đất nằm trên trục đường xã chỉ khoảng 350-400 triệu đồng, giờ lên hơn 1 tỷ đồng, tức gấp khoảng 2,5 lần. Trong khi đó, đường chỉ trải nhựa lại, không có dự án bất động sản nào nằm sát hay tuyến đường liên tỉnh mới nào đi qua đây", anh Đức Anh cho hay.
Đất nông thôn đã trở nên đắt đỏ đã là một thực tế diễn ra ở nhiều địa phương. Theo các chuyên gia, lý do khiến đất nông thôn tăng giá là nhu cầu của một bộ phận nhà đầu tư chuyển hướng về quê tìm kiếm cơ hội sinh lời. Một số địa phương xảy ra tình trạng sốt đất ảo còn do nhóm nhà đầu tư hoặc môi giới đẩy lên. Cộng thêm tâm lý "tấc đất, tấc vàng", đồng tiền mất giá và nơi đâu cũng sốt nên xu hướng người dân rao giá cao hơn.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những cơn sốt đất và việc giá đất tăng cao tại các vùng nông thôn kéo theo một thực tế đáng quan ngại là người dân địa phương lao theo những cơn sốt, bán đi những mảnh đất là tư liệu sản xuất quan trọng - mang đến nguồn thu nhập chính của người dân ở nông thôn, nơi mà tỷ trọng nông nghiệp đóng vai trò lớn.
Việc người dân chỉ tập trung hưởng lợi từ việc giá đất tăng mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Khi người dân bị hút nguồn lực vào vòng xoáy tăng giá đất đai thì tất yếu nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác bị suy giảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội nhận định: Giá đất ở quê những năm gần đây bị đẩy quá đà, trong khi không có sự đổi thay về hạ tầng giao thông hay động lực làm tăng giá nào khác. Điều này khiến cho những người nông dân thu nhập thấp hoặc người trẻ khó mua được đất làm nhà.
"Nếu thị trường đi vào trầm lắng, đất quê sẽ bị sụt giá đầu tiên vì tăng ảo trong thời gian dài. Thế nên, các nhà đầu tư tay ngang cần rất cẩn trọng trong việc mua đất quê vì nguy cơ chôn vốn cao do tính thanh khoản thấp", ông Quang nói thêm.
#/ban-manh-dat-que-4-ty-ngang-gia-can-ho-chung-cu-cao-cap-ha-noi-20220323143243091.chn