“Giá như”, đó là khởi đầu câu chuyện mà chị N.M.N (Hà Nội) chia sẻ. Đó cũng là từ mà chị N. liên tục nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện của chính mình.
Vợ chồng chị N. đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội lập nghiệp. Năm 2014, nhờ gia đình hai bên hỗ trợ, cũng trùng thời điểm gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ được tung ra, vợ chồng chị N. mua được căn hộ chung cư 2 phòng ngủ. Đến năm 2019, hai vợ chồng chị mới trả hết nợ. Sau đó, vợ chồng chị bàn tính, tập trung tiết kiệm để mua lô đất hoặc căn nhà đất trong ngõ, coi như tài sản tích trữ an toàn.
“Trước đấy, vợ chồng tôi không dám mạo hiểm mua đất vì sợ giá bong bóng. Thấy hàng xóm, bạn bè, ai ai cũng giàu về đất nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm gửi tiền vào ngân hàng. Đến năm 2022, hai vợ chồng tích cóp hơn 2 tỷ đồng.
Ngẫm nghĩ, để tiền mặt gửi tiết kiệm, đúng thực sự là tiền ngày càng mất giá. Lạm phát gia tăng. Cái gì cũng đắt đỏ. Sau khi nghe tư vấn từ nhiều người, vợ chồng tôi quyết định mua bất động sản để trữ tiền. Cả hai đều chung quyết định mua thêm căn nhà đất, vừa tích trữ tiền, vừa để phấn đấu đi làm, trả nợ”, chị N. nói.
(Ảnh minh hoạ)
Đến giữa tháng 5/2022, thông qua môi giới, vợ chồng chị N. quyết định bỏ ra 3,5 tỷ đồng để mua căn nhà đất trong ngõ. Số tiền nợ cho căn nhà này dao động lên tới 800 triệu đồng.
Đến hiện tại, môi giới thông báo, căn nhà của chị N. chỉ bán được với giá 2,7 tỷ đồng. Do ở thời điểm mua căn nhà này, vợ chồng chị N. mua cao hơn so với mức giá thị trường 200 triệu đồng (-mức giá này so với những căn nhà có cùng vị trí tương đương). Mặt khác, đây cũng là thời điểm sốt đất tại khu vực mà chị N. mua.
“Hiện tại, đất hết sốt. Thị trường càng khó khăn. Căn nhà của tôi giảm tới gần 1 tỷ đồng. Tưởng tích tiền vào đất để vừa trữ tiền vừa đợi giá tăng nhưng chỉ có 6 tháng, chúng tôi đã mất tới gần 1 tỷ đồng. Giá như, chúng tôi cố đợi đến hiện tại thì đã có thể lựa chọn căn nhà ưng ý mà giá tốt”, chị N. kể.
Không chỉ có chị N, anh T.H (Hưng Yên) cũng trong tâm lý có tiền phải đổ ngay vào bất động sản để tránh mất giá. Tháng 7/2022, anh H. bán lô đất nằm trên trục đường 2 làn xe tại Hà Nam với giá 2,6 tỷ đồng. Lo ngại để tiền trong ngân hàng, càng để lâu càng xuống giá trong khi giá nhà đất chỉ có tăng, anh H. quyết định tìm mua căn nhà đất ở Hà Nội. Sau nhiều tháng tìm dọc khu vực Thanh Trì, Gia Lâm, Hà Đông, cuối cùng, nhờ một người bạn giới thiệu, anh H. "chốt" mua căn nhà đất 4 tầng ở Yên Nghĩa (Hà Đông) với giá 2,8 tỷ đồng.
“Tôi xem căn này đúng một lần và chốt. Tôi thông báo với môi giới, nhờ chủ nhà giảm 100 triệu đồng. Phía chủ nhà đồng ý. Hôm sau, tôi tới cọc tiền”, anh H. nói. Vị này còn cho biết thêm, căn nhà mà anh mua ở thời điểm tháng 10/2022. Phía môi giới thông báo với anh, mức gía này đã rất thấp so với thời điểm tháng 3,4/2022. Trước đó, chủ nhà rao bán 3,4 tỷ đồng. Cứ nghĩ mình đã mua rẻ nên anh H. càng an tâm.
Nhưng đến giữa tháng 12, qua trao đổi với môi giới khác trong khu vực, anh H. mới biết, giá nhà đất trong ngõ đang hạ mạnh. Một căn nhà có vị trí đẹp hơn, 4 tầng, đầy đủ nội thất được chủ nhà chào bán với giá 2,5 tỷ đồng chưa thương lượng. “Nếu cố đợi thêm vài tháng, tôi có thể mua được căn nhà rẻ với mức giá tốt hơn”, anh H. nói thêm.
Tuy nhiên, thực tế, xét trong khoảng thời gian 3-5 năm, mức giá nhà đất đều đi theo chiều hướng gia tăng. Với người có tiền mặt sẵn, đây là cơ hội để sở hữu căn nhà đất giá rẻ.
“Không ai có thể biết chính xác thị trường tăng hay giảm. Nhiều người nghĩ, giá nhà giảm 200-300 triệu đồng đã là xuống đáy. Không ai nghĩ, giá nhà còn giảm sâu hơn. Nhưng ví dụ trường hợp ngược lại, sau 1-2 tháng giảm 200-300 triệu đồng, giá nhà đột biến gia tăng. Lúc đó, người mua cũng sẽ lại rơi vào tình cảnh: Tiếc nuối”, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội cho hay.