Bắc Ninh tập trung phát triển quy hoạch hạ tầng đô thị

Nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh công tác quy hoạch, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đến nay cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng Bắc Ninh đạt chuẩn đô thị loại I trong tương lai.

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, Bắc Ninh tập trung quy hoạch có tính tổng thể, mang tầm nhìn dài hạn và thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố theo định hướng “hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững”, bảo đảm sự đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, kết nối với quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội . Từ đó, làm nổi bật vai trò, vị trí, ưu thế của Bắc Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tăng tính cạnh tranh trong thu hút các nguồn lực đầu tư.

Hiện tỉnh đang xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở được xây dựng hoàn thành theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều chung cư, tòa nhà cao tầng được xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, thu hút được cả các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Tập đoàn Samsung, Foxconn,... đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động. Theo số liệu cập nhật mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4/2019, diện tích nhà ở bình quân của Bắc Ninh đạt hơn 29 m2/người, cao nhất cả nước.

Hạ tầng giao thông đô thị của tỉnh Bắc Ninh đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường, dự án quan trọng kết nối các khu công nghiệp và kết nối các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn như cầu Bình Than, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, nút giao KCN Yên Phong với QL18, đường gom QL18, cầu vượt dân sinh qua QL18, Đường tỉnh 287 nối QL18 với cầu Quế Tân, DT285B, ĐT282B, ĐT 295C, ĐT 287, Cầu Chì…theo hướng hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Bắc Ninh.

Trong quá trình phát triển đô thị, Bắc Ninh đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch các hành lang xanh dọc theo sông Đuống, sông Cầu, nhiều khu đô thị được quy hoạch với mục tiêu là khu đô thị xanh như: Khu Tây Bắc TP Bắc Ninh, diện tích khoảng 590 ha; khu du lịch Phật Tích, diện tích khoảng 2.200 ha tại huyện Tiên Du; khu liên hợp thể thao tỉnh Bắc Ninh diện tích khoảng 1.340 ha tại huyện Tiên Du và huyện Quế Võ; khu sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn khoảng 1.400 ha và khu du lịch văn hóa và sinh thái núi Dạm diện tích khoảng 200 ha tại TP Bắc Ninh; khu tổ hợp đô thị, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, diện tích khoảng 2.000 ha tại huyện Thuận Thành,…

Bắc Ninh tập trung phát triển quy hoạch hạ tầng đô thị  - Ảnh 1.
Phối cảnh tổng thể khu đô thị Thuận Thành III

Các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn cũng được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng đô thị, hiện đại hóa nông thôn. Nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, nhà máy nước mặt TP. Bắc Ninh, các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cấp huyện, các nhà máy cấp nước quy mô cụm xã.

Song song với công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường còn tập trung vào việc cải tạo mở rộng, lát vỉa hè đá các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt; chỉnh trang vỉa hè các tuyến Thiên Đức, Lý Thường Kiệt...Vận động doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa cải tạo vỉa hè các trục đường Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Kinh Dương Vương. Nâng cấp các vườn hoa; lắp đặt các đài phun nước vườn hoa, lắp đặt đèn trang trí kiến trúc các tòa nhà trụ sở các cơ quan tỉnh và thành phố trên các trục đường chính đô thị. Quy hoạch và sơn kẻ các vị trí đỗ xe trên các tuyến đường khu vực nội thị đã tạo ra bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi, mang tính hiện đại, bền vững, được nhân dân đánh giá cao.

Thời gian tới, để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư theo hướng “Hiện đại, văn hóa, tri thức và đô thị thông minh”, là một trung tâm có sức cạnh tranh mạnh mẽ của đất nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, lập quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu nâng cấp các huyện Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du thành thị xã, thị xã Từ Sơn trở thành thành phố. Tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai lập và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Chờ và vùng phụ cận (đô thị Yên Phong) đáp ứng phát triển huyện Yên Phong trở thành thị xã, đồ án quy hoạch chung đô thị phố Mới và vùng phụ cận (đô thị Quế Võ) đáp ứng phát triển huyện Quế Võ trở thành thị xã; quy hoạch phân khu các khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn TP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Với sự ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại và đồng bộ đã, đang và sẽ giúp Bắc Ninh tạo được các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo tiền đề để trở thành thành phố Bắc Ninh vào những năm 20 của thế kỉ XXI.