Trong bối cảnh quỹ đất tại Hà Nội ngày trở nên khan hiếm, hơn nữa do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên không có nhiều dự án được mở bán. Do đó, thu nhập của môi giới bất động sản trong 2 năm nay trở nên bấp bênh. Hơn nữa, chi phí tại Hà Nội quá cao, khiến nhiều môi giới bất động sản khó bám trụ.
Trong khi đó, mấy năm gần đây nhiều nhà đầu tư có vốn mỏng tại Hà Nội có xu hướng tìm về vùng quê để săn đất, khi mức giá vẫn còn tương đối rẻ. Hoạt động mua bán trở nên sôi động, nhìn nhận được tiềm năng phát triển nghề nhiều môi giới bất động sản đã “bỏ phố về quê” để mở văn phòng giao dịch.
Theo anh Nguyễn Hoàng Hải - môi giới bất động sản tại Nam Định cho biết, đến thời điểm hiện tại anh đã làm môi giới nhà đất được 5 năm. Trước kia anh làm môi giới tại Hà Nội nhưng sau nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát tình hình giao dịch bị chững lại, ảnh hưởng tới thu nhập, khiến anh khó khăn khi bám trụ tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, hiện nay giá đất tại vùng ven Hà Nội cũng đã cao, với mức tài chính khoảng 1 tỷ đồng nhà đầu tư cũng chỉ mua được lô đất rộng từ 40 - 55m2. Do vậy nhiều nhà đầu tư có mức vốn mỏng cũng băn khoăn khi xuống tiền. Nhìn nhận được sức hút của đất nông thôn, trong khi đó quỹ đất có nhiều và mức giá vẫn còn rẻ, nên anh Hải đã trở về quê để mở văn phòng môi giới.
“Ai cũng biết, thu nhập của môi giới đến từ tiền hoa hồng. Nên mỗi lần dịch bệnh bùng phát, không có giao dịch, tôi cũng khó khăn. Trong khi đó chi phí tại Hà Nội từ đi thuê nhà, sinh hoạt cũng tốn. Hơn nữa, ở các vùng trung tâm thì có nhiều khi chính các môi giới cũng cạnh tranh khách hàng với nhau.
Thấy đất tại quê tôi mấy năm nay giá cũng tăng, thanh khoản cao. Nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội và địa phương khác cũng về quê tôi mua đất nhưng họ không thông thạo địa hình tại khu vực nên tôi có ý tưởng về quê mở văn phòng”, anh Hải kể.
Sau Tết Nguyên đán năm 2021 anh Hải đã mở văn phòng môi giới tại nhà riêng nên cũng tiết kiệm được chi phí mặt bằng. Cũng theo anh Hải, trong tháng đầu tiên cũng gặp nhiều khó khăn, bởi gần như anh là những người đi tiên phong trong hoạt động môi giới tại khu vực này. Chính vì vậy, để có thể duy trì tốt hoạt động môi giới, anh đã chủ động tìm đến những người dân đang có đất muốn bán, đặt vấn đề tìm kiếm khách hàng cho họ và đề xuất mức tiền hoa hồng.
“Đồng thời tôi cũng liên hệ với những nhà đầu tư tại Hà Nội mà tôi đã từng giao dịch để giới thiệu. Nhiều người sau khi tôi giới thiệu cũng tin tưởng nên đã về tận nơi xem đất, sau nhiều lần dẫn khách dần tôi cũng có những giao dịch đầu tiên”, người môi giới này nói.
Dần dần, văn phòng môi giới của anh Hải trở thành điểm quen thuộc của người có đất cần bán và người có nhu cầu mua tìm đến. Anh Hải cho biết, hiện giá đất tại địa phương anh vẫn rẻ chỉ dao động từ 10 - 15 triệu đồng/m2 ở mặt đường lớn. Còn trong ngõ 2 ô tô tránh nhau dao động từ 4 - 6 triệu đồng/m2. Do đó, phù hợp với các nhà đầu tư có vốn mỏng.
Trong 6 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng văn phòng anh Hải có khoảng 10 giao dịch thành công.(Ảnh minh họa)
Sau mỗi giao dịch thành công, anh Hải được nhận từ 10 - 25 triệu đồng, còn tùy với giá trị của mảnh đất. Anh Hải cũng tiết lộ, trong 6 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng văn phòng anh có khoảng 10 thương vụ thành công. Theo ước tính mỗi tháng anh có thể bỏ túi từ 100 - 150 triệu đồng tiền hoa hồng.
“Thực tế, không chỉ mình tôi bỏ phố về quê mở văn phòng môi giới. Nhiều anh em đồng nghiệp của tôi do ảnh hưởng từ Covid-19 cũng về quê làm môi giới. Thi thoảng anh em cũng trao đổi, do đất quê hiện có tính thanh khoản cao nên nhiều người cũng có thu nhập vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng”, anh Hải tiết lộ.
Bên cạnh đó, người môi giới này cũng cho biết, hiện nay do nhà đầu tư ở Hà Nội chưa thể di chuyển đi các tỉnh nên giao dịch cũng giảm sút, chỉ khoảng 2 - 3 giao dịch/tháng từ các nhà đầu tư trong tỉnh. Tuy nhiên, đây là tình hình khó khăn chung nên anh Hải vẫn tin tưởng đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn thị trường đất nông thôn sẽ phục hồi trở lại.