5 dấu ấn đặc biệt của thị trường bất động sản năm 2020

Dưới tác động của dịch Covid-19 và một số chính sách vĩ mô, thị trường BĐS năm 2020 đã có những biến thiên ngoài quy luật và để lại những dấu ấn rất khác biệt.

Nguồn cung và giao dịch lao dốc, giá bán không giảm

Siết thủ tục triển khai dự án khiến thị trường BĐS rơi vào cảnh thiếu cung liên tiếp trong 3 năm. Tuy nhiên, năm 2020 tình trạng này còn bi đát hơn bởi ngay cả những dự án được duyệt chủ trương, triển khai xong cũng phải lùi hoặc hoãn kế hoạch mở bán vì Covid-19. 

Theo thống kê của HoREA, tính đến hết quý 3/2020, TP.HCM có gần 80.000 sản phẩm được chào bán trên thị trường, nhưng 70% trong đó là lượng hàng tồn kho từ các năm trước, còn nguồn cung 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm mới chào bán lần đầu. Con số này chỉ bằng 35% so với năm 2019, 20% so với năm 2018. 

Không có sản phẩm mới và tâm lý thị trường xuống thấp, giao dịch cũng lao dốc. Theo HoREA, lượng giao dịch căn hộ 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 6.800 căn, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019 và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay. Với phân khúc đất nền, sức tiêu thụ thậm chí sụt giảm đến 67% so với năm ngoái. 


Biểu đồ chỉ số giá BĐS tại Hà Nội và TP.HCM. Nguồn: Báo cáo thị trường 2020 của TinNhaDatVN.Com

Đáng chú ý, dù cả nguồn cung và giao dịch đều sụt giảm mạnh nhưng giá bán nhà vẫn không giảm, thậm chí tăng ở một số phân khúc. Theo báo cáo thị trường 2020 của TinNhaDatVN.Com, nếu lấy quý 1/2018 làm mốc so sánh thì chỉ số giá bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM vẫn diễn biến theo xu hướng tăng với một số thời điểm trồi sụt không đáng kể. 

Nhiều nhà đầu tư, người mua thực chờ đợi làn sóng bán tháo cắt lỗ nhưng thực tế tình trạng giảm giá chỉ xuất hiện rải rác ở thị trường thứ cấp, chủ yếu là của những nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đây là một diễn biến không nằm ngoài dự đoán, bởi thị trường vẫn đang phát triển ổn định, không có khủng hoảng và Covid-19 chỉ là yếu tố tác động tạm thời.

Bán hàng trực tuyến lên ngôi

Giãn cách xã hội khiến bên bán và bên mua không thể gặp mặt trực tiếp, các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm bị trì hoãn... buộc môi giới, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức bán hàng để thích ứng. 

buổi giới thiệu ứng dụng Fastkey của Property Guru tại Việt Nam
Một buổi giới thiệu ứng dụng Fastkey của Property Guru tại Việt Nam. Nguồn: TinNhaDatVN.Com

Đơn cử, ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, Vinhomes ra mắt sàn thương mại điện tử bất động sản Vinhomes Online trong khi Tập đoàn Vạn Phúc ứng dụng phần mềm Fastkey của Property Guru Singapore... Hàng loạt các ông lớn khác như Hưng Thịnh, Novaland, DKRA, Phú Đông Group... cũng nhanh chóng triển khai công nghệ bán hàng online cho nhân viên, môi giới. Với các ứng dụng công nghệ như thực tế ảo, hình ảnh 360 độ, tổ chức hội thảo, sự kiện trực tuyến giới thiệu dự án... người mua chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể theo dõi thông tin về dự án, nghiên cứu mặt bằng, lộ trình thanh toán... mà không cần đến tận nơi.

Ngoài ra, nhiều môi giới còn tư vấn trực tuyến về dự án, giải đáp cho khách hàng các câu hỏi về pháp lý, thủ tục… qua livestream giúp tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, giảm chi phí và tạo dựng được uy tín cá nhân.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ xuất hiện từ lâu nhưng chỉ khi dịch bệnh bùng phát nó mới trở thành kênh bán hàng chính của các doanh nghiệp. Nói cách khác, Covid-19 chính là một phép thử thúc đẩy quá trình số hóa BĐS diễn ra nhanh hơn.

Mức độ quan tâm BĐS thấp nhất 3 năm

Báo cáo thị trường 2020 của TinNhaDatVN.Com công bố tại VRES 2020 cho thấy, mặc dù lượng tin đăng duy trì ổn định nhưng mức độ quan tâm bất động sản của người tìm kiếm giảm tới 9% so với năm 2019. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm, kể từ 2018.

biểu đồ mức độ quan tâm bất động sản trong 3 năm.
Covid-19 khiến mức độ quan tâm BĐS giảm nhiệt. Nguồn: TinNhaDatVN.Com

Trong đó, thời điểm lượng quan tâm sụt giảm mạnh nhất rơi vào quý 1/2020 khi xuất hiện đợt bùng dịch đầu tiên. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng quan tâm tìm kiếm bất động sản nhanh chóng hồi phục về gần với mức trước dịch. Đến quý 2/2020, tuy hứng chịu thêm đợt bùng dịch thứ 2 nhưng mức độ quan tâm của người tìm kiếm sụt giảm không đáng kể. Diễn biến này cho thấy, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực được người mua, nhà đầu tư quan tâm.

Chung cư được quan tâm hơn nhà đất thổ cư

An cư lạc nghiệp, tấc đất tấc vàng... là những quan niệm khiến người Việt rất chuộng sở hữu đất đai. Nhà đất thổ cư là ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn mua nhà vì người mua còn nhiều nghi ngại với căn hộ chung cư, nhất là vấn đề sở hữu, chất lượng và pháp lý.

Biểu đồ mức độ quan tâm căn hộ chung cư
Lượng tìm kiếm căn hộ diện tích nhỏ tăng vọt vào đầu quý 2/2020. Nguồn: Báo cáo thị trường quý 2 của TinNhaDatVN.Com

Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt, nhu cầu nhà ở ngày càng lớn trong khi giá nhà đất tăng liên tục, nhiều người, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ dần chuyển sang lựa chọn chung cư. Báo cáo thị trường quý 2/2020 của TinNhaDatVN.Com cho thấy một diễn biến rất thú vị: mức độ quan tâm căn hộ diện tích nhỏ tại Hà Nội tăng trưởng tới 220% so với quý 1, cao hơn rất nhiều lần so với nhà riêng (22%), nhà mặt phố (35%).

Biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ hộ dân thành thị sống ở chung cư.
Tỉ lệ hộ dân thành thị ở chung cư tăng 1,6 lần trong 10 năm. Nguồn: TinNhaDatVN.Com, Tổng cục Thống kê

Tính toán của TinNhaDatVN.Com dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, trong vòng 10 năm (2009-2019) tỷ lệ hộ dân thành thị sống trong các chung cư, tập thể trên cả nước tăng trưởng 1,6 lần. Tại những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... tỷ lệ hộ dân sống tại chung cư tăng rất nhanh, lần lượt là 67%; 53% và 56%. Đáng chú ý, hai thành phố giáp ranh TP.HCM là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng lần lượt lên tới 683% và 567%. 

Lãi suất cho vay mua nhà giảm mạnh

Trong những đợt khủng hoảng kinh tế trước đây, lãi suất huy động và lãi suất cho vay mua nhà đất tại các ngân hàng cũng leo thang chóng mặt. Đơn cử năm 2008, lãi suất huy động tăng vọt từ 9-10% lên 17-18%/năm, kéo lãi suất cho vay vọt lên trên 20%. Năm 2020, nền kinh tế cũng suy thoái và khủng hoảng vì Covid-19 tuy nhiên lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại các ngân hàng đều giảm mạnh. Nguyên nhân là do tình trạng khủng hoảng không đến từ nội tại nền kinh tế mà từ tác động ngắn hạn của dịch bệnh gây đổ vỡ các chuỗi cung ứng, đóng băng các hoạt động kinh doanh. Thay vì đầu tư, người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng như một kênh trú ẩn để tránh rủi ro. Dư thừa tín dụng buộc các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay giảm nhiệt.

Theo tìm hiểu của TinNhaDatVN.Com, tính đến tháng 11/2020, lãi suất vay mua nhà điều chỉnh từ các ngân hàng trong nước đã giảm 1,8 điểm % xuống 9,5%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Hiện tại, lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng dao động từ 6,45-11,5%/năm, lãi suất sau ưu đãi cao hơn lãi suất cơ sở hoặc lãi suất tiết kiệm từ 3-4%. (Xem cập nhật lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng do TinNhaDatVN.Com tổng hợp).

Ngọc Sương