33 dự án bất động sản bị 'tuýt còi' ở Bình Thuận giờ ra sao?

33 dự án bất động sản từng bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng trái luật hồi tháng 4/2023, đến nay vẫn chưa có dự án nào đủ điều kiện mua bán theo đúng quy định.

Bất động vì chưa đủ điều kiện mua bán

Hồi tháng 4/2023, ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, có 33 chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh bất động sản không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Việc này có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

33 dự án bất động sản bị 'tuýt còi' ở Bình Thuận giờ ra sao? - Ảnh 1.

33 dự án bất động sản bị 'tuýt còi' ở Bình Thuận giờ ra sao? - Ảnh 2.

Chi tiết 33 chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện nay 33 dự án nói trên vẫn chưa có dự án nào đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản.

UBND tỉnh Bình Thuận đã và đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành chức năng của tỉnh tập trung rà soát, kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho tất cả các dự án hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền nhằm sớm đưa các dự án đủ điều kiện vào giao dịch theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các dự án lớn có tính lan tỏa mạnh đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Hiện Sở Xây dựng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương cùng các nhà đầu tư tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc để sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các hạng mục công trình, đảm bảo đầy đủ các điều kiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng theo đúng quy định.

“Đối với các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng tại các dự án bất động sản cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin, tình trạng pháp lý, điều kiện chuyển nhượng của dự án trước khi thực hiện các giao dịch”, lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Thuận nói.

Loạt dự án chậm triển khai

Theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện nay, có 30 dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận còn hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư. Trong đó, 8 dự án đã đưa vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 26,7%), 3 dự án đã xây dựng hoàn thành theo giai đoạn và các hạng mục chính (chiếm tỷ lệ 10%), 9 dự án có tác động triển khai xây dựng (chiếm tỷ lệ 30%), 10 dự án chưa và chậm triển khai xây dựng (chiếm tỷ lệ 33,3%).

33 dự án bất động sản bị 'tuýt còi' ở Bình Thuận giờ ra sao? - Ảnh 3.

Dự án Hamubay Phan Thiết chưa đủ điều kiện để rao bán.

Hầu hết các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được chấp thuận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 và 2014. Các dự án chưa triển khai xây dựng do vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện một số thủ tục liên quan như công tác xác định tính pháp lý về nguồn gốc đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng, kiểm kê, thu hồi đất kéo dài dẫn đến chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất; quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án, công tác xác định giá đất chậm dẫn đến ảnh hưởng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và cơ quan chức năng chưa thông báo cho nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Để sớm giải quyết các vướng mắc, khó khăn nói trên, ngày 3/7/2023 UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn , vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Hiện nay, Tổ công tác đang tiến hành rà soát làm việc từng dự án để đề xuất hướng xử lý.