3 động lực thúc đẩy BĐS văn phòng tăng trưởng trong năm 2021

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có tín hiệu hồi phục, thị trường văn phòng duy trì giá thuê gộp và công suất thuê trung bình ổn định. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp thay đổi phong cách làm việc cố định sang các hình thức sắp xếp linh hoạt nhằm ưu tiên tính hiệu quả thông qua các yêu cầu về không gian làm việc ít cố định và có nhiều khu vực sử dụng chung.

Kinh tế vĩ mô hồi phục

Theo The Economist, năm 2021, GDP Việt Nam sẽ tăng 5,2% theo năm, chậm hơn so với những năm gần đây do nền kinh tế chịu ảnh hưởng của Covid-19. FocusEconomics dự báo Việt Nam sẽ có tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,7%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục là một trong những nền kinh tế dẫn đầu ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục có những động thái tích cực hỗ trợ nhà đầu tư. Năm 2020, thành phố thu hút 3,72 tỷ USD vốn FDI. Điều tra của Chính phủ về Xu hướng Kinh doanh của các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 4/2020 cho thấy 41% đánh giá hoạt động kinh doanh tốt hơn quý trước; trong khi đó 35% cho rằng vẫn ổn định và 25% thừa nhận gặp khó khăn.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, lĩnh vực cho thuê thương mại năm 2020 vẫn có những dấu hiệu tích cực. Kết quả này có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng tích cực của lĩnh vực công nghệ, sản xuất vận hành phần mềm, bảo hiểm nhân thọ và thương mại điện tử bất chấp Covid-19. Thị trường văn phòng được kì vọng tiếp tục phát triển ổn định vào năm 2021, với bối cảnh dịch bệnh Covid bớt nghiêm trọng, lượng du khách quốc tế tăng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi về kinh tế và nhân khẩu học ở Việt Nam. “Tăng trưởng của lĩnh vực văn phòng cho thuê chủ yếu được thúc đẩy bởi yếu tố khách hàng có trụ sở doanh nghiệp tại Việt Nam và họ có đủ tự tin để mở rộng kinh doanh tại Hà Nội”, ông Matthew Powell cho biết.

hình ảnh thị trường văn phòngBất động sản văn phòng có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2021

Giá thuê gộp và công suất thuê gộp ổn định

Dữ liệu 6 tháng cuối năm 2020 của Savills cho thấy các phân khúc của thị trường văn phòng đều đạt mức tăng trưởng nhất định trong 5 năm qua. Cụ thể, phân khúc hạng B có tăng trưởng mạnh nhất là 6%/năm trong khi hạng A tăng 4%/năm và hạng C tăng 3%/năm. Tổng nguồn cung của thị trường văn phòng đạt gần hai triệu m2, tăng 2% theo quý và 6% theo năm sau sự gia nhập của dự án hạng A International Centre với 7.000 m2 tại khu vực trung tâm và dự án hạng B Century Tower với 33.000 m2 tại khu vực nội thành.

Giá thuê gộp và công suất thuê trung bình duy trì ổn định theo quý, với sự gia nhập thị trường đáng chú ý của các dự án lớn như Capital Place ra mắt trong quý 3/2020 và Century Tower ra mắt trong quý 4/2020 khiến khu vực nội thành thay đổi đáng kể.

Đáng chú ý, thị trường ghi nhận có nhiều sự quan tâm đến văn phòng hạng A từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hà Nội. Các chủ đầu tư và các công ty cũng đang tích cực triển khai hoạt động phát triển và đầu tư vào nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Sự ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp

Trên thực tế, các ngành khác nhau có nhu cầu thuê khác nhau. Khách sạn và du lịch, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần ít không gian hơn, trong khi dịch vụ, công nghệ thông tin và thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng, cần nhiều không gian hơn.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nhận định, rất nhiều công ty đã thay đổi phong cách làm việc của họ theo hướng linh hoạt hơn thay vì chỉ làm việc cố định trên bàn giấy. Những yêu cầu về văn phòng cũng sẽ dựa trên các tiêu chí về hiệu quả công việc và sự tiện lợi trong không gian làm việc, đặc biệt tập trung phát triển các khu vực sử dụng chung thay vì có sự phân chia rõ ràng. Nhóm doanh nghiệp là khách thuê có thể cân nhắc đánh giá hàng năm về các yêu cầu và tình trạng thuê nhằm theo sát các diễn biến thị trường.

Xu hướng làm việc tại nhà không rõ rệt do Covid-19 bị kiểm soát kịp thời tại Việt Nam. Dù vậy, nhiều công ty coi đây là cơ hội để thu hẹp quy mô, giảm chi phí vận hành và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Theo bà Minh, đại dịch đang thúc đẩy nhu cầu đối với không gian văn phòng linh hoạt và sáng tạo hơn cùng môi trường thân thiện với nhân viên nhằm tăng năng suất và khả năng sáng tạo. Điều này đang thách thức các tòa nhà cũ. Các chủ nhà chủ động tạo sự khác biệt bằng các dịch vụ bổ sung và tuân thủ nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn sẽ tăng khả năng cạnh tranh. Các điều khoản thuê sẽ cần ứng biến nhanh chóng hơn nhằm hỗ trợ không gian linh hoạt.

An An