“Vượt mặt” Tp.HCM, căn hộ Bình Dương chiếm gần 50% số lượng mở bán ra thị trường phía Nam, dự báo bất ngờ từ chuyên gia

Thông tin sáp nhập vào Tp.HCM đã khiến bất động sản Bình Dương liên tục “nhảy số”. Cả nguồn cung và sức cầu nơi đây đang “vượt mặt” Tp.HCM.

Dự án mới đồng loạt bung hàng

Từ đầu năm 2025 đến nay, nếu Tp.HCM im ắng nguồn cung mới thì Bình Dương tiếp tục "dậy sóng" với loạt dự án cùng lúc giới thiệu ra thị trường.

Tại khu vực Dĩ An, một số dự án căn hộ giá vừa túi tiền tiếp tục "khuấy động" thị trường. Đơn cử, dự án Phú Đông Sky Garden của Phú Đông Group hiện giao dịch thứ cấp sôi nổi từ đầu năm 2025 đến nay. Giá chuyển nhượng tăng từ 36 triệu đồng/m2 (thời điểm mở bán 2022) lên 43 triệu đồng/m2 (hiện tại). Đáng nói, chỉ sau 3 tháng kể từ thời điểm bàn giao căn hộ (tháng 1/2025), Phú Đông Sky Garden đã chính thức có sổ hồng và sẽ bàn giao cho cư dân trong tháng 5/2025. Đây là một minh chứng rõ nét cho uy tín và cam kết pháp lý minh bạch của chủ đầu tư trên thị trường bất động sản. Dự án gồm 640 căn hộ, tọa lạc trên trục đường An Bình, cách Phạm Văn Đồng chỉ 600m và kết nối sân bay Tân Sơn Nhất trong khoảng 20 phút di chuyển.

Cùng với đó, dự án Phú Đông SkyOne của chủ đầu tư này với mức giá từ 32 triệu đồng/m2 cũng đang gây sự chú ý với người mua trong bối cảnh nguồn cung căn hộ giá vừa túi tiền dần khan hiếm tại Bình Dương.

Cùng khu vực, mới đây Tập đoàn Bcons và Tập đoàn Tân Đông Hiệp ra mắt dự án Bcons Solary tại P.Tân Đông Hiệp với giá từ 31 triệu đồng/m2, tương đương từ 1,5 tỉ đồng/căn 2 PN. Với quy mô gần 2ha, dự án gồm 1 khối đế thương mại và 4 tháp cao từ 36 đến 38 tầng. Dự án dự kiến bàn giao nhà vào năm 2027.

Tương tự, nguồn cung mới tại khu vực Dĩ An phải kể đến dự án TT AVIO của liên doanh Nhật Cosmos Initia, Koterasu và TT Capital. Dự án cung cấp 2.000 căn hộ giá vừa túi tiền ra thị trường.

Hay, dự án The Gió Riverside của An Gia ra mắt gần đây với mức giá dao động 48 - 55 triệu đồng/m2.

“Vượt mặt” Tp.HCM, căn hộ Bình Dương chiếm gần 50% số lượng mở bán ra thị trường phía Nam, dự báo bất ngờ từ chuyên gia

Cả nguồn cung và sức cầu căn hộ Bình Dương đang "vượt mặt" Tp.HCM.

Tại Thuận An, không khí bung sản phẩm ra thị trường cũng không kém phần sôi động. Một số dự án căn hộ có mức giá từ 34-70 triệu đồng/m2 rục rịch tại khu vực từ quý 1/2025 đến nay. Phải kể đến dự án The Felix của C-Holdings cung cấp 1.216 căn hộ với giá bán từ 34 triệu đồng/m2.

Dự án La Pura (tên cũ Astral City) của Phát Đạt Corporation lên kế hoạch khởi động bán hàng với mức giá dự kiến từ 60 triệu đồng/m2. Giá này tăng khoảng 20% so với mức giá từng rao bán năm 2020.

Một dự án khác là căn hộ cao cấp Orchard Heights nằm trong khu đô thị Sycamore của CapitaLand chào bán giá từ 60 triệu đồng/m2.

Dự án căn hộ The Emerald 68 (mặt tiền QL13, TP.Thuận An) của Coteccons và Lê Phong sắp cho cho ra mắt tháp Mega với giá bán dự kiến trên dưới 60 triệu đồng/m2. Giá này đã tăng 7% so với giai đoạn mở bán 2024.

TBS Group cũng lên kế hoạch ra mắt dự án Green Tower với giá khoảng 68 - 70 triệu đồng/m2, Midori Park The Ten của Becamex Tokyu có giá từ 58 triệu đồng/m2,…

Đáng nói, ngoài nguồn cung mới "vượt mặt" Tp.HCM thì lượng tiêu thụ căn hộ Bình Dương dẫn đầu khu vực phía Nam trước thông tin sáp nhập vào Tp.HCM. Theo dữ liệu từ DKRA Consulting, trong quý 1/2025, nguồn cung mới tăng 75% so với cùng kỳ, trong đó Bình Dương chiếm đến 49% lượng căn hộ mở bán mới ra thị trường. 

Cùng với đó, sức cầu căn hộ phía Nam trong quý 1 tăng 56% so với cùng kì. Trong đó, Bình Dương vươn lên vị trí dẫn đầu, chiếm 43,6% lượng tiêu thụ toàn thị trường. Giá bán sơ cấp một số dự án căn hộ tại Bình Dương ghi nhận mức tăng 5% - 11% so với giai đoạn cuối năm 2024. Theo đơn vị này, thanh khoản và giá bán trên thị trường thứ cấp tiếp tục đà hồi phục, tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, pháp lý hoàn thiện, thuận tiện kết nối về trung tâm.

Chuyên gia nói gì về cơ hội của bất động sản Bình Dương?

Tại sự kiện "Toàn cảnh thị trường bất động sản Bình Dương: Sử sang chương" diễn ra mới đây, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn nhận định, khi Tp.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu về "chung một nhà" sẽ trở thành "siêu đô thị", tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế đất nước, dự kiến đóng góp khoảng 25% GDP.

Về thị trường nhà ở, ông Tuấn cho rằng, Bình Dương với lợi thế địa lý chiến lược, giáp ranh của Tp.HCM, cách các quận trung tâm chỉ 20 - 30 phút, đã trở thành điểm thu hút làn sóng dịch chuyển, đặc biệt là cộng đồng tri thức trẻ.

Cùng với đó, với nội lực kinh tế sẵn có, thị trường bất động sản Bình Dương vốn đã phát triển từ khá lâu. Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy, tính riêng tháng 3/2025, lượng tìm kiếm bất động sản tại khu vực này (đặc biệt là phân khúc chung cư) đã tăng 46% so với tháng trước, trong đó phần lớn người quan tâm đến từ Tp.HCM. Trong vòng 10 năm qua, giá rao bán trung bình chung cư tại Bình Dương cũng đã tăng khoảng 112%.

“Vượt mặt” Tp.HCM, căn hộ Bình Dương chiếm gần 50% số lượng mở bán ra thị trường phía Nam, dự báo bất ngờ từ chuyên gia

Ngoài thông tin sáp nhập, hạ tầng giao thông trở thành động lực của BĐS Bình Dương.

Ông Tuấn chỉ ra 4 lợi thế cho thị trường bất động sản Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu khi hợp nhất với Tp.HCM.

Thứ nhất, tái cấu trúc đô thị và giá đất: Khi sáp nhập các khu vực như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương), Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu)... vào Tp.HCM sẽ tạo ra khu vực quy hoạch đồng bộ. Các khu vực này vốn được xem là vùng ven sẽ được cấp về mặt hành chính, pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, dẫn đến giá bất động sản gia tăng.

Thứ hai, kinh tế bứt phá: Việc sáp nhập Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương sẽ mở ra không gian, khơi thông nguồn lực, mang lại nhiều động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ. Siêu đô thị mới này sẽ có dân số hơn 12 triệu người, diện tích khoảng 6.000 km2, sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (top 20 cảng container lớn nhất thế giới), và mạng lưới khu công nghiệp (KCN) hàng đầu Đông Nam Á.

Thứ ba, hạ tầng dẫn sóng: Khi Bình Dương và Tp.HCM là một ranh giới hành chính thì các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Cao tốc Tp.HCM- Thủ Dầu Một – Chơn Thành; các tuyến metro, mở rộng Quốc lộ 13, metro số 1 Bình Dương... sẽ được triển khai đồng bộ và nhanh chóng hơn; hình thành thêm như thành phố trực thuộc Tp.HCM, tương tự như Tp.Thủ Đức. Điều này giúp gia tăng giá trị cho bất động sản các khu vực giáp ranh.

Thứ tư, tăng sức hút vào FDI: Một siêu đô thị Tp.HCM với quy mô lớn hơn, hạ tầng hiện đại và cảng biển chiến lược sẽ thu hút mạnh dòng vốn FDI vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, từ đó kích thích đầu tư bất động sản.

"Với nền tảng vững chắc về kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, thu hút FDI, tỉ lệ giãn dân cơ học cao... các khu vực như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương), Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) – có lợi thế giáp ranh Tp.HCM được kì vọng mở ra cơ hội tăng trưởng về giá BĐS rõ nét nhất. So với Tp.HCM, hiện mặt bằng giá tại các khu vực này thấp hơn nhiều. Giá căn hộ trung tâm Tp.HCM hiện chạm mốc 400 - 500 triệu đồng/m2; tại Tp.Thủ Đức, mức giá trung bình cũng đã dao động từ 100-145 triệu đồng/m2. Trong khi, khu vực Bình dương giá còn ở ngưỡng 35-70 triệu đồng/m2...", ông Tuấn nhấn mạnh.

“Vượt mặt” Tp.HCM, căn hộ Bình Dương chiếm gần 50% số lượng mở bán ra thị trường phía Nam, dự báo bất ngờ từ chuyên gia

Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam khẳng định, 3 tỉnh lớn sáp nhập chắc chắn tác động đến bức tranh bất động sản. Tiềm năng cơ hội cho nhà đầu tư là rất lớn. Việc sáp nhập không chỉ là cái tên mà là câu chuyện thay đổi rất mạnh về mặt quy hoạch, kế hoạch tổng thể để liên kết 3 vùng với nhau. Theo đó, những kế hoạch về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội, phân bổ dân số, thương mại, thúc đẩy kinh tế sẽ được Tp.HCM tính toán rất kỹ càng. Việc sáp nhập tạo ra giá trị dài hạn, thay đổi cục diện quy hoạch, từ đó tạo nên mặt bằng mới về nhu cầu cũng như mặt bằng giá bất động sản.

Ông Trần Khánh Quang, một người có nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng phân tích, nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào Tp.HCM thì bất động sản khu ven sẽ phát triển vượt bậc. Kinh tế - xã hội của 3 khu vực này có thể so sánh với các đô thị lớn trên thế giới khi kết hợp được 3 yếu tố công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.

Cụ thể, Bình Dương trước nay đã được quy hoạch công nghiệp rất tốt, kết cấu cũng thuận lợi cho việc xây dựng các dự án; Bà Rịa – Vũng Tàu đang phát triển mạnh về cảng biển. Theo đó, nếu đưa Bình Dương, Tp.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào một cương giới hành chính thì sẽ tận dụng được các ưu thế của cả ba và thực hiện tầm nhìn hướng đến kinh tế biển, kinh tế xanh và kinh tế số.

Thực tế, trước khi sáp nhập với Tp.HCM, Bình Dương vốn đã vững thế về các yếu tố kinh tế - xã hội, bất động sản. Việc sáp nhập trở thành yếu tố cộng hưởng thêm để tạo nên sức mạnh gia tăng giá trị lâu dài cho khu vực. Giá trị thực của bất động sản khu vực vốn đã được tạo ra từ nhiều yếu tố hiện hữu như vị trí địa ý, đường sá thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, pháp lý minh bạch, khả năng khai thác (ở cho thuê), khả kéo dân về ở, tình hình kinh tế việc làm ở địa phương. Vì thế, trong thời gian tới, việc "định lại" mặt bằng giá bất động sản khu vực cũng là điều dễ hiểu.

Với thông tin sáp nhập, mặc dù không loại trừ khả năng "sốt ảo" diễn ra ở thị trường khu ven Tp.HCM, song nhìn vào các chỉ số của từng khu vực để nhà đầu tư có sự lựa chọn đúng đắn. Dù ở bối cảnh thị trường nào, tâm thế đầu tư trung – dài hạn, xác định kỹ càng khu vực tiềm năng phát triển, ưu tiên dự án có pháp lý rõ ràng... vẫn là những yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để tránh rủi ro dòng tiền.