Đó là nhận định của ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khi chia sẻ về các giải pháp "phá băng" thị trường du lịch Việt Nam vốn bị tê liệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch bày tỏ tin tưởng, du lịch Việt Nam không chỉ lấy lại đà tăng trưởng, mà còn mang tầm vóc mới khi bước sang giai đoạn hậu Covid-19.
Hiện nay, một số doanh nghiệp, khu du lịch lớn đã hoạt động trở lại, tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn cho du khách. Điều đó có ý nghĩa như thế nào trong việc "hâm nóng" thị trường du lịch gần như bị tê liệt do dịch Covid-19, thưa ông?
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch ở các địa phương trên cả nước để chiến dịch kích cầu du lịch lan tỏa. Thời gian qua, rất nhiều địa phương, doanh nghiệp mở cửa các khu, điểm du lịch đồng thời giảm giá, miễn phí vé tham quan, tạo ra các sản phẩm kích cầu giá rất tốt và chất lượng. Điều đó giúp hâm nóng thị trường, du khách và ngành kinh tế xanh đang dần vui trở lại. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi các địa phương tiếp tục giảm giá hoặc miễn phí vé các điểm tham quan do nhà nước quản lý để có thêm thật nhiều sản phẩm du lịch kích cầu.
Dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn nỗ lực tiếp tục đầu tư, xây dựng, làm mới các khu, điểm du lịch trên cả nước, điển hình như Tập đoàn Sun Group sắp ra mắt Dự án khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Tập đoàn Thiên Minh đã khai trương khách sạn mới… Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực này của các doanh nghiệp?
Ngay cả trong mùa dịch, lượng khách gần như bằng 0, nhưng một số nhà đầu tư lớn đã, đang và tiếp tục tính toán những dự án mới, bổ sung nguồn cung sản phẩm, dịch vụ cho ngành du lịch để đón đầu dòng khách bùng nổ sau dịch. Với tiềm lực mạnh và cách làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, các nhà đầu tư lớn luôn là người dẫn dắt tinh tường, giúp định hình xu hướng phát triển cho ngành kinh tế xanh. Khi đầu tư một dự án quy mô, tầm cỡ, các nhà đầu tư chiến lược luôn nhìn rất xa, vì đây là lĩnh vực đầu tư thu hồi vốn trong thời gian dài, có thể 10 đến 20 năm. Họ cũng phải tính toán đến yếu tố rủi ro như thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, trong lúc dịch bệnh có thể hoạt động bị ngưng trệ nhưng hậu dịch, các dự án này sẽ phát huy tác dụng, thậm chí tạo nên sự tăng trưởng đột phá cho điểm đến, cho ngành du lịch.
Du khách đến Sun World Hon Thom Nature Park
Trong bối cảnh du lịch đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chúng ta càng cần có vai trò tiên phong, dẫn đầu của doanh nghiệp lớn trong việc đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường, phá băng thị trường du lịch vốn đang bị tê liệt suốt thời gian qua, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhân sự ngành du lịch.
Tuy nhiên, để nhanh chóng khôi phục ngành du lịch, các bên đều cần chung tay để kích cầu du lịch ngay từ thời điểm này. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và chung tay cùng với doanh nghiệp, địa phương và điểm đến để hâm nóng thị trường, trước mắt là trong hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Mặt khác, sau dịch Covid-19, chúng ta rất hy vọng du lịch Việt Nam sẽ vươn lên một tầm cao mới vì sức đề kháng của các doanh nghiệp được nâng lên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có được bài học kinh nghiệm vượt khó khăn, thích ứng bằng những tư duy sáng tạo, những đổi mới, đầu tư mới, cách nhìn mới của các điểm đến và doanh nghiệp.
Để đưa hoạt động của ngành công nghiệp không khói trở lại bình thường, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, tới đây, ngành du lịch sẽ làm gì, thưa ông?
Bộ VHTTDL đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhằm khôi phục thị trường du lịch nội địa trong trạng thái bình thường mới. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ VHTTDL thời điểm này, khi dịch cơ bản đã được kiểm soát. Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" phát động trên cơ sở những gì chúng ta có. Đó là hệ thống cơ sở vật chất của ngành, các điểm đến, dịch vụ sản phẩm sẵn có và quan trọng là sự vào cuộc, chung tay, đồng lòng của tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội, hàng không, vận chuyển, nhà cung cấp dịch vụ để tạo ra được các gói sản phẩm chất lượng, an toàn, hấp dẫn, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh bình thường mới.
Khi khôi phục được du lịch nội địa thì các hoạt động sẽ liên tục, tạo ra việc làm, thu nhập, tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế. Đây là mục tiêu vô cùng quan trọng.
Hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế tại Việt Nam, nhưng thiệt hại gây ra cho ngành Du lịch vô cùng nặng nề, ngành du lịch có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để phục hồi, thưa ông?
Bên cạnh phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", ngành du lịch cũng có sự chuẩn bị, nghiên cứu, đánh giá, dự báo về khả năng phục hồi cho thị trường quốc tế. Có 3 kịch bản dự báo thế giới hết dịch Covid-19 vào tháng 6 hoặc tháng 9 hoặc tháng 12 năm nay. Tùy từng kịch bản, chúng ta có những giải pháp cụ thể về đón khách quốc tế, phân khúc thị trường. Việc dự báo này cũng là bước chuẩn bị khởi động lại du lịch quốc tế, ngay khi dịch được đẩy lùi trên thế giới.
Du khách đến Bà Nà dịp lễ 30.4
Ngoài ra, ngành du lịch cùng các doanh nghiệp sẽ có những nghiên cứu cụ thể về xu hướng mới của du lịch, gắn liền với thực trạng tác động dịch bệnh toàn cầu về thị trường nguồn. Cùng với đó, ngành du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quảng bá, xây dựng chương trình du lịch. Chúng tôi đang thiết lập kênh trực tuyến giữa du lịch Việt Nam với các đầu mối ở những thị trường trọng điểm.
Năm nay, có thể chúng ta sẽ không tổ chức các roadshow hoặc chương trình xúc tiến du lịch trực tiếp tại nước ngoài, nên sẽ đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến theo hình thức này. Chúng tôi kỳ vọng chương trình này sẽ cung cấp thông tin mới nhất về mức độ an toàn của Việt Nam cũng như khả năng thành công phòng dịch của Việt Nam qua các kênh trực tuyến.
Trân trọng cảm ơn ông!