Sau mấy năm tích góp, năm 2015, vợ chồng chị Hoàng Thị Hiền (33 tuổi) có 400 triệu đồng. Dự định của chị Hiền là tìm mua một căn hộ chung cư tầm trên 1 tỷ đồng để vợ chồng có chỗ an cư, không phải đi thuê nhà nữa.
Sau khi nhờ người bạn chuyên bán bất động sản tìm giúp, chị Hiền cũng quyết định mua căn chung cư 70m2 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) với giá 1,5 tỷ đồng.
“Chồng cứ ngần ngại vì sẽ phải vay mượn thêm nhiều, khả năng trả nợ khó khăn, nhưng tôi nghĩ cứ mua là được và hy vọng căn chung cư khi chuyển về ở sẽ gần chỗ làm của cả hai vợ chồng hơn. Vậy nên tôi quyết nhanh và cứ nghĩ đến hơn 1 năm sau sẽ được chuyển về căn hộ ở tôi lại háo hức vô cùng”, chị Hiền kể.
Thế nhưng, thật bất ngờ, sau hơn 2 tháng ký hợp đồng mua căn hộ, chính người bạn tìm nhà cho tôi đợt trước gọi điện hỏi tôi có bán không vì có khách kết căn hộ này quá và chấp nhận trả chênh 200 triệu đồng.
Tôi đã mua được đất và xây nhà ở Hà Nội nhờ “lướt sóng” chung cư vài năm.... |
“Ngay lúc bạn tôi gọi điện hỏi, tôi đã trả lời chắc chắn rằng tôi không bán vì mục đích mua để ở, nhưng cả ngày hôm đó tôi làm việc không yên. Thật sự cứ nghĩ bỗng dưng mình được 200 triệu đồng nếu bán căn hộ, tôi liền gọi bàn với chồng. Bất ngờ là chồng tôi lại để tôi tự quyết định, thế nên chỉ sau một đêm, tôi thông báo với bạn quyết định bán”, chị Hiền nhớ lại.
Chia sẻ về lý do vì sao chị quyết bán căn hộ nhanh vậy, chị Hiền cho biết, lúc đó chị chỉ nghĩ đến số tiền lãi sau khi cộng thêm với tiền gốc sẵn có có thể tìm được căn hộ khác, đỡ được thêm một khoản tiền đi vay, chỉ có điều lúc đó lại bắt đầu hành trình đi tìm nhà mới để mua.
Thế rồi, chị Hiền tiếp tục nhờ người bạn thân tìm hộ căn chung cư ở dự án khác. Lần này đúng dịp mở bán lần đầu của một dự án chung cư ở quận Cầu Giấy, chị Hiền liền đi cùng bạn mình đến trực tiếp xem nhà mẫu và lựa chọn căn hộ.
Như có duyên nên rất nhanh chóng chị Hiền đã "chốt" đặt cọc 1 căn hộ có diện tích 72m2, giá tầm 1,6 tỷ đồng. Chị Hiền tính toán với số tiền sẵn có chị sẽ phải vay thêm 1 tỷ đồng. Vừa cầm phiếu đặt cọc 50 triệu đồng trên tay, cơ duyên thế nào lại có vị khách cũng rất ưng căn hộ chị vừa đặt cọc và sẵn sàng trả chênh 80 triệu đồng để sang cọc luôn.
“80 triệu đồng là số tiền bằng tiền lương thu nhập cả mấy tháng liền của hai vợ chồng tôi, nghĩ thế nên tôi đã quyết định sang cọc nhanh chóng cho vị khách đó”, chị Hiền nói.
Sau lần ấy, chị Hiền cảm thấy mình có chút duyên và cũng khá may mắn trong việc mua bán nhà đất nên đã tạm gác lại kế hoạch mua nhà để ở mà dùng tất cả số tiền sẵn có để cùng bạn đầu tư mua đi bán lại chung cư. Những căn hộ chung cư được chị Hiền và người bạn “nhắm” đến là các căn hộ diện tích vừa phải trên dưới 70m2 và có tầm tiền trên 1 tỷ đồng.
“Tôi nghĩ các căn hộ với tầm tiền từ 1,5-1,8 tỷ đồng sẽ phù hợp với nhu cầu nhiều người nên chúng tôi chỉ đầu tư những căn hộ giá tiền trung bình cho dễ bán lại. Hơn nữa, khi thấy có chút lãi là chúng tôi chốt bán ngay, không để lâu và cũng không để đến lúc dự án hoàn thành vì như thế sẽ bị chôn vốn lâu. Song, cũng không phải dễ kiếm tiền, có căn hộ tôi phải bán mà không được lãi đồng nào để thu vốn về”, chị Hiền chia sẻ.
Đến cuối năm 2018, thị trường đã khó khăn hơn, chị Hiền đã quyết định không cùng bạn “lướt sóng” chung cư nữa, khi ấy chị đã "kiếm" thêm được hơn tỷ đồng nên quyết định tìm mua mảnh đất 50m2 trong ngõ thuộc một xã ở huyện Thanh Trì với giá 1,050 triệu đồng. Cộng với số tiền 600 triệu đồng góp với bạn với chập chững lướt sóng ban đầu, chị lấy về đủ để xây căn nhà 2 tầng.
“Nghĩ lại tôi thấy khi ấy mình có duyên, khá may mắn và cũng nhờ quyết định nhanh chóng nên mới mua được đất và xây nhà ở mà không phải đi vay ngân hàng đồng nào. Số tiền tích cóp từ lương và thu nhập hàng tháng, cộng với việc chi tiêu tiết kiệm, chúng tôi sẽ để dành đầu tư cho con cái học hành, chứ không dám “lướt sóng” chung cư nữa vì giờ thị trường khó chứ không dễ như trước”, chị Hiền nói.