Chọn "điểm rơi" thế nào để đầu tư?
Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, thị trường BĐS "trong nguy có cơ". Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần như thị trường BĐS đứng giao dịch, lại là cơ hội để những người muốn mua BĐS "xuống tiền". Những NĐT này có thể chọn một BĐS mà mình yêu thích, ngắm sẵn và đi thương lượng với chủ, nếu giảm được 5-10% là mua được.
"Sẽ có một cơn sốt đất nhẹ diễn ra vào tháng thứ 4 sau khi dịch được kiểm soát. Vì thế, thời điểm này là cơ hội để NĐT lựa chọn từ từ một BĐS, chọn có chọn lọc, chuẩn bị sẵn sàng để đầu tư", ông Quang nhấn mạnh.
Ở góc độ mua để đầu tư, theo ông Quang, quan sát tìm hiểu những chủ đất kẹt tiền, bán giá tốt là có thể mua vào ngay. Thị trường BĐS cũng đang xuất hiện nhiều chính sách ưu đãi cực kì tốt, hiếm thấy cho khách hàng. Việc chiết khấu cũng là biểu hiện ngầm của việc hỗ trợ về giá (3-5%) là cơ hội để chọn mua trong mùa dịch này.
Cũng theo vị chuyên gia này, khoảng 70% nhu cầu của nhà đầu tư hướng đến phân khúc đất nền. Đây là phân khúc dễ sốt, và tăng giá mạnh nhất. Hiện dịch kéo dài nên thị trường BĐS cũng trầm lắng lại, định vị lại sản phẩm. Tuy vậy, cơ hội cho thị trường đất nền vùng ven vẫn còn lớ.
"Theo quan sát của tôi, các thị trường như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, chưa xuất hiện tình trạng nhà đầu tư bán tháo BĐS, vẫn chờ và gồng qua dịch. Tuy vậy có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn bán BĐS.Vì thế, trong lúc này nhà đầu tư muốn mua nên nghiên cứu mua loại BĐS nào sau dịch", ông Quang cho hay.
Chỉ ra những phân khúc nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư lúc này, vị chuyên gia này gạch đầu dòng: Đó là BĐS nhà vườn, ở các khu vực có khí hậu tốt. hoặc BĐS mà cách trung tâm TP khoảng 60 cây số đổ lại; BĐS nghỉ dưỡng đi xe 2 tiếng đồng hồ…. là những BĐS vẫn đầu tư tốt ở thời điểm hiện tại.
"Còn nếu đầu tư BĐS dự án của những CĐT thì nhà đầu tư cá nhân nên chọn sản phẩm bàn giao vào năm 2023 là an toàn để đầu tư mua dịch. Lưu ý, CĐT đưa ra các chính sách thanh toán kéo dài, để không áp lực về mặt thanh toán, pháp lý ổn", ông Quang dành lời khuyên.
Tránh những cơn sốt ảo, định vị BĐS giá trị thực trong đầu tư
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, dòng tiền vào BĐS tăng trưởng liên tục. Thị trường bắt đầu nhộn nhịp từ giai đoạn 2015-2018, đến năm 2020 chững lại, nhưng dòng tiền vào BĐS vẫn còn lớn. Đến năm 2021 BĐS ở trạng thái tăng trưởng mới, giá tăng cao ở hầu hết các phân khúc thị trường, lan sang các tỉnh.
Một khảo sát cho thấy, số lượng các NĐT muốn đầu tư vào BĐS trước khi dịch đợt 4 xảy ra (tính từ thời điểm tháng 5/2021) là 45% so với 35% muốn đầu tư vào chứng khoán. Dù dịch Covid-19 hành hoàng 3 tháng là tháng 6,7 và 8 nhưng theo ông Quang BĐS không giảm giá, chưa xuất hiện bán tháo, cho thấy dòng tiền vẫn chờ để chảy vào BĐS, các NĐT vẫn chờ đợi thị trường tốt lên sau dịch.
Chia sẻ về cách nhà đầu tư nhận diện sơn sốt ảo, và tránh rủi ro khi đầu tư vào BĐS, nhất là với các NĐT mới, vị chuyên gia này chia sẻ, với cơn sốt đất nền ảo rất dễ nhận ra, là khu vực đó giá BĐS tăng liên tục, tin rao vặt xuất hiện nhiều, môi giới hứa hẹn lời trong vòng 10 ngày hay 1 tháng… thì được đánh giá là sốt ảo, các NĐT nên hết sức cẩn thận.
Còn trong đầu tư NĐT nên xác định với BĐS mang lại giá trị thực. Tuy nhiên, để hiểu được một BĐS giá trị thực cũng không phải dễ. Khi đi chọn để mua đầu tư, nhà đầu tư phải hiểu, BĐS này người sử dụng cuối cùng là ai?, Đất này xây được phòng trọ, khách sạn, nhà ở cao cấp hay bình dân…?,
"Theo kinh nghiệm của tôi khi đi mua đất để xác định đầu tư cần hiểu rõ về giá trị cũng như mức giá. Chẳng hạn, đất xây nhà cho công nhân thuê thì giá trị khoảng từ 10-15 triệu đồng/m2, đất để xây được nhà 1 trệt, 1 lầu, mở được tạp hóa thì giá khoảng 15-25 triệu đồng/m2; đất xây khu dân cư mang tính cao cấp địa phương (tức xây được nhà 1 trệt, 1 lầu) thì giá rơi vào khoảng 25-40 triệu đồng/m2…, đồng thời, nếu BĐS đó đưa vào khai thác ngay thì giá 15 triệu đồng/m2 là đúng còn nếu 3 năm nữa mới đưa vào hoạt động thì NĐT phải trừ đi 10% mỗi năm…", chuyên gia Trần Khánh Quang lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư chọn BĐS cần đặc biệt để ý đến cơ sở hạ tầng (hạ tầng giao thông va hạ tầng xã hội) gần khu vực muốn mua. Đừng bao giờ mua BĐS "tắt đèn", không biết bao giờ dân mới tới ở.
Một rủi ro nữa mà nhiều NĐT vẫn mắc phải khi mua BĐS tỉnh là pháp lý. Nhiều người ở TP không rành đất đai khu vực tỉnh, mua không tìm hiểu kỹ càng, nên dễ dính bẫy là mua BĐS không biết khi nào ra được sổ, mua xong không xây được nhà…
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mua bị "hớ giá". Chẳng hạn, đang ở Tp.HCM lô đất có giá 40-50 triệu đồng/m2, đi xuống tỉnh cách khoảng 100 cây số thấy giá 5-10 triệu đồng/m2, thấy của rẻ nên vội vàng mua. Theo ông Quang, NĐT nên nhớ nếu so sánh giá rẻ so với Tp.HCM là sai. Nên tìm hiểu kỹ càng giá đất khu vực định mua.
Cùng với đó, rủi ro về mãi lực cũng rất dễ xảy ra với nhà đầu tư. Tức mua thì dễ nhưng bán khó, cần tiền bán ra rất khó, vay ngân hàng cũng khó, ngân hàng định giá thấp hoặc không cho vay. Vì thế, theo ông Quang, nhà đầu tư cũng cần lưu ý để chọn sản phẩm tốt.