[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Có tiền nhàn rỗi, đầu tư vào BĐS nào lúc này?

Theo ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia từ Savills Việt Nam, hiện các nhà đầu tư (NĐT) có xu hướng mua BĐS để lâu dài, chờ thời điểm thị trường tốt bán ra. Còn người đi vay để đầu tư BĐS lúc này rất ít, bởi họ không dự báo được tương lai và không lường được sức chịu đựng của mình với dòng tiền vay.

Khi được hỏi, trong bối cảnh thị trường như thế này, NĐT cá nhân nên "xuống tiền" như thế nào và với loại hình BĐS nào?, Chuyên gia Sử Ngọc Khương đã có những phân tích xung quanh câu chuyện đầu tư này.

Cách thức "xuống tiền" của nhà đầu tư cá nhân

Theo ông Khương, thực tế mỗi NĐT cá nhân có kỳ vọng khác nhau nhưng xoay quanh có 3 kì vọng là khả năng vốn, lợi nhuận và tính thanh khoản. Có 3 nhóm NĐT trên thị trường BĐS hiện nay, nhất là lúc thị trường khó khăn, mỗi nhóm NĐT có những động thái riêng về cách thức "xuống tiền".

Nhà đầu tư cơ hội, theo ông Khương nhóm này thường đầu tư vào cơ hội mà các NĐT trước đang bị mắc kẹt, tùy vào mỗi sản phẩm. Nhóm này quan tâm mạnh đến yếu tố lợi nhuận và thanh khoản. Đây là nhóm NĐT có sẵn tiền mặt, kì vọng lợi nhuận khi đầu tư vào BĐS rất cao.

Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng ít: Với góc nhìn lúc thị trường BĐS đang khó khăn, các NĐT có dòng vốn tầm 75% tổng số tiền có thể mua được BĐS, theo ông Khương các NĐT này có xu hướng vay thêm 25% để mua BĐS lúc này. 

Giữ nó trong vòng 1 năm và bán ra với giá trị sinh lời từ 20-25% là chuyện bình thường khi thị trường phục hồi. Lãi suất tính trên tổng số tiền vay trong vòng 1 năm không bao nhiêu so với giá trị sinh lời của BĐS. Đa số họ sẽ mua vào lúc này và bán ra lúc thị trường tốt lên.

[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Có tiền nhàn rỗi, đầu tư vào BĐS nào lúc này? - Ảnh 1.

TS Sử Ngọc Khương. Ảnh: Hạ Vy

Nhà đầu tư lướt sóng: Theo ông Khương nhóm này có tiền hoặc không có tiền thì câu chuyện là họ không vào thị trường bây giờ. Bởi vì NĐT lướt sóng nhìn thấy sắp tới (ít nhất là 1 năm tới) thị trường vẫn còn những khó khăn nhất định, đầu tư lướt sóng mà sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn họ sẽ không làm.

Đầu tư vào tài sản nào lúc này?

Khi được hỏi, lúc này nên đầu tư vào phân khúc nào thì sinh lời ổn định, ông Khương cho rằng, với NĐT có tài chính hạn chế thì có khuynh hướng đầu tư vào tài sản có thể để dài hơi, đặc biệt phân khúc đất nền có sổ đỏ vẫn được ưu tiên.

Chẳng hạn, có trong tay tầm 1-3 tỉ đồng nếu mua căn hộ giá trị gia tăng không nhiều, mua nhà phố ở quận ven Tp.HCM thì rất nhỏ, nên NĐT có xu hướng chỉ ra mua đất nền ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh hay các tỉnh lân cận…. Các nền đất có diện tích 50-60m2 có giá tầm 1 -1.5 tỉ đồng/nền (có thể là đất dân có sổ) thì họ sẽ kì vọng sau một năm giá trị miếng đất sẽ tăng lên 20-25%.

Theo ông Khương, thực tế đã có khá nhiều NĐT mua miếng đất giá 2 tỉ đồng, sau 1 năm tăng giá lên 2.5 tỉ đồng là chuyện bình thường. Với việc tăng giá khoảng 20-25% trong vòng một năm trong khi lãi suất vay ngân hàng khoảng 8-10%, tiền gửi 5-6% thì bỏ tiền vào BĐS là cách nhiều NĐT lựa chọn.

Cũng theo vị chuyên gia này, với những NĐT có tiền lớn thực sự thời điểm này họ khá cân nhắc trong việc bỏ tiền ra. Họ chính là những NĐT cơ hội. Những dự án mà nhiều NĐT khác đang bị ngợp tài chính, không tiếp tục đóng được tiền nữa thì đây sẽ là cơ hội cho các NĐT có tài chính mạnh "nhảy vào".

Hay, một số NĐT mua nhà phố ở góc ngã tư để làm văn phòng, vừa đầu tư BĐS. Nếu trước đây, góc ngã tư thường giá đất cao, cho thuê giá cao thì do hiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều người thuê trả mặt bằng. Có thể giá một căn nhà phố khoảng 15-20 tỉ đồng, nhưng NĐT có 7-8 tỉ , đi vay thêm và lấy tiền thuê đắp vào nhưng hiện tại có nhiều trường hợp mất khả năng trả luôn vì không có khách thuê. Đây cũng chính là cơ hội "xuống tiền" cho những NĐT có dòng tài chính sẵn mạnh.

"Tóm lại, với bối cảnh thị trường hiện nay, dân có tiền vẫn "xuống tiền", dân đi vay ngân hàng (vay quá 50%) không xuống tiền. Nếu vay tầm 10-20% vẫn xuống tiền mua BĐS. Còn vay nhiều hơn thì trừ khi tài sản đó phải thực sự hời, mà hiện nay trên thị trường BĐS tài sản hời rất hiếm. Còn người đi vay để đầu tư BĐS lúc này rất ít, bởi họ không dự báo được tương lai và không lường được sức chịu đựng của mình với dòng tiền vay", ông Khương nhấn mạnh.