Giai đoạn khó khăn nhất về tiến độ dự án đã qua
Chiều 27/10, thảo luận tại tổ về Nghị quyết điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã giải trình trước ý kiến các đại biểu về việc chậm giải ngân đối với dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư có ảnh hướng đến tiến độ chung của Cảng hàng không Long Thành hay không?
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ lo lắng cho tiến độ của dự án hiện nay đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong khi Nghị quyết số 53/2017/QH14 có đề cập “việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021”.
“Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ lại đề nghị kéo dài thời gian triển khai đến năm 2024, tức chậm 3 năm so với tiến độ đề ra, theo đại biểu Yên đây là một điều “rất đáng báo động”, nữ đại biểu nói.
Đại biểu tỉnh Điện Biên nêu rõ, cũng chính vì chậm tiến độ mà dẫn đến tình trạng Kho bạc Nhà nước đã dừng việc giải ngân cho dự án do niên độ dự án (2017-2021) đã kết thúc. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có những điều chỉnh tương ứng so với Nghị quyết số 53/2017/QH14 để hoàn thành trọn vẹn công tác thu hồi đất cho toàn bộ 5.000ha và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1.
Giải trình cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án xây dựng Cảng hàng không Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng không. Riêng cấu phần giải phóng mặt bằng, diện tích rất lớn là hơn 5.000ha, gồm 5.000ha cho sân bay, cảng hàng không và hơn 300ha cho khu tái định cư và khu vực ngoài sân bay.
Trong khi đó, bối cảnh triển khai dự án đã có những biến động không lường trước. Cụ thể, trong hai năm xảy ra đại dịch COVID-19 (2020-2021), tình hình rất khó khăn để triển khai công việc, đặc biệt là việc đi xuống hiện trường kiểm tra đánh giá nghiệm thu bàn giao rất khó. Sau COVID-19, lại xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Sự kiện này khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu tái định cư của người dân.
“Năm 2022, khi tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra dự án tái định cư, các khu rất quan trọng đối với người dân đó là trường học đã phải dừng hết vì theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, các nhà thầu đã bỏ. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao hơn nhiều so với giá thầu, cộng với khó khăn của COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng làm tiếp. Chính vì vậy, dự án xây dựng khu tái định cư bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, Bộ trưởng GTVT vẫn khẳng định, đến nay, các dự án đang được khởi động, triển khai trở lại. Thời gian thực hiện không lớn và giai đoạn khó khăn nhất về tiến độ dự án đã qua.
Trả lời lo ngại của Đại biểu Tạ Thị Yên về việc liệu nếu dự án đền bù, tái định cư này bị kéo dài thêm 3 năm thì có ảnh hưởng tới tiến độ chung không, Bộ trưởng Thắng cho rằng, dù dự án có thể bị kéo dài đến năm 2024 nhưng tiến độ chung của dự án Long Thành vẫn đang được kiểm soát.
“Cá nhân tôi vừa là Bộ trưởng Bộ GTVT vừa là người rất sát sao với dự án, tôi nghĩ, dự án tổng thể của Cảng hàng không Long thành nếu có chậm thì cũng không quá 1 năm. Lý do là toàn bộ phần diện tích để xây dựng Giai đoạn một (hơn 2.500 ha) đã được bàn giao đầy đủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đồng thời khẳng định, vấn đề tiến độ cần quan tâm nhất là của dự án nhà ga Cảng hàng không Long Thành, nhưng đến nay đã chọn được nhà thầu và đang triển khai: “Trong trường hợp chậm nhất, nhà ga này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Các dự án thành phần khác hiện nay đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga. Nhiều dự án đang có tiến độ nhỉnh, nhiều dự án đảm bảo tiến độ. Có thể yên tâm, việc chậm giải ngân của dự án tái định cư không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án”.
Bên cạnh lo ngại về nguy cơ chậm tiến độ, các ĐBQH cũng nêu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu hơn về nguyên nhân tại sao tiến độ dự án chậm, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, đồng thời đưa ra giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để thực hiện dự án để không có việc có thể Quốc hội lại phải xem xét “điều chỉnh thời gian, cũng như điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án” ở các hạng mục khác ở các giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, để việc điều chỉnh và triển khai dự án này trong thời gian tới bảo đảm tiến độ, mục tiêu và chất lượng đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai - chủ đầu tư dự án, cần khẩn trương rà soát bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện, đồng thời có giải pháp bảo đảm điều kiện sống cho người dân có đất bị thu hồi nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Đại biểu cũng cho rằng Vương Quốc Thắng cũng cho rằng, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân là một nội dung rất quan trọng của Dự án. Tuy nhiên, đến nay theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả công tác này mới dừng lại ở bước điều tra, khảo sát nhu cầu, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tổ chức thống kê danh sách để tuyên truyền.
Do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa theo khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội.
Tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP lên không quá 70% là rất đột phá
Cũng thảo luận tại tổ về việc Chính phủ trình Chính phủ nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ theo PPP lên 70% trong dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là điểm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam đang rất cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để tác động vào kinh tế, liên kết vùng.
Theo đó, việc nâng 70% vốn Nhà nước đã là rất đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP tốt hơn so với mức vốn hiện nay là 50%, được kỳ vọng có thể giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tốt hơn.