Ghi nhận cho thấy, nếu đất vườn giá mềm có dấu hiệu giao dịch trở lại ở một số khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM thì đất dự án quy mô lớn, đất lẻ trong dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn thanh khoản ở thời điểm này.
Tiếp xúc với một số môi giới bán đất dự án tỉnh xung quanh Tp.HCM như Bình Phước, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận được biết thị trường khá chậm. Nhất là những khu vực xa xôi so với Tp.HCM như Chơn Thành, Đồng Xoài (Bình Phước); Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) môi giới khó bán hàng ở giai đoạn này.
Nhất là ở những dự án có quy mô hàng ngàn sản phẩm đất nền vẫn chưa được hấp thụ hết ở thời điểm trước, đến nay ghi nhận tình trạng nhà đầu tư cắt lỗ khá nhiều trên thị trường thứ cấp. Dù cắt lỗ song nhà đầu tư vẫn khó ra hàng do thị trường gần như không xuất hiện hoạt động đầu tư mua – bán như thời điểm trước. Chính điều này đã tạo tâm lý e dè cho nhà đầu tư trong việc xuống tiền mua đất dự án ở giai đoạn này.
Từng là dòng sản phẩm được nhà đầu tư quan tâm trong giai đoạn 2017-2019, đến nay nhiều người mua đất nền dự án đứng nhìn giá đất đi xuống, trong khi khó bán ra. Tình trạng này gần như lặp lại thời điểm sau dịch Covid-19, khi giá có hiện tượng giảm, đồng thời không có giao dịch. Thế nhưng, giai đoạn dịch bệnh, giá đất nền dự án đi ngang thì hiện tại mức độ giảm giá và tỉ lệ nhà đầu tư cắt lỗ đã thấy rõ, trung bình 10-30% (tuỳ nơi).
Từng đầu tư đất nền dự án tỉnh vào năm 2020, chị H (ngụ quận 12) sau nhiều lần nhờ môi giới rao bán nhưng hiện vẫn chưa bán được. Dù không vay mượn ngân hàng nhưng do dòng vốn bị ngâm trong khi chưa thấy tín hiệu gì từ thị trường trong khoảng thời gian dài khiến chị H khá lo lắng. Ngoài ra, việc mua vào xong khó bán ra cũng khiến chị “mất ăn mất ngủ”.
Mới đây, khi hỏi một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực bất động sản về thời điểm đất nền tỉnh phục hồi, vị này cho rằng: “Đất nền tỉnh còn căng lắm”!. Mặc dù một số lô đất vườn, đất thổ cư gần đây đã có giao dịch nhưng đó chỉ mới là số ít, không phản ánh giao dịch trở lại của toàn thị trường. Nhà đầu tư này cũng cho hay, đất nền dự án hiện khó khăn giao dịch do nhà đầu tư thứ cấp phải cạnh tranh nguồn hàng sơ cấp của chủ đầu tư. Thậm chí cắt lỗ sâu nhưng vẫn không thể bán được.
“Nếu có giao dịch thì hiện chỉ có giao dịch ở khu ven Tp.HCM như quận 9, Hóc Môn, hoặc tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu; các khu vực xa như Bình Phước, Bình Thuận…vẫn rất khó”, nhà đầu tư này cho biết.
Mới đây, trong một hội thảo về bất động sản, ông Nguyễn Duy Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Hưng khẳng định, thời gian phục hồi của thị trường đất nền phía Nam cũng sẽ chậm hơn do các yếu tố về tâm lý đầu tư còn khá yếu ở giai đoạn này.
Mặc dù hạ tầng giao thông đang được đầu tư, hỗ trợ cho thị trường đất nền nhưng phân khúc này sẽ khó bật dậy trong ngắn hạn. Khác so với trước đây, đất nền thường ăn theo hạ tầng cao tốc thì thời gian qua và sắp tới việc phân lô bán nền sẽ bị hạn chế nhiều. Việc chuyển nhượng cũng trở nên khó khăn. Giá đất nền cũng không tăng nhanh như thời gian trước đó nữa.
Ghi nhận cho thấy, những nhà đầu tư đã từng tham gia thị trường đất nền dự án tại tỉnh lận cận Tp.HCM trước đó đa phần là nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm. Trong bối cảnh chưa ra được hàng thì họ sẽ khó quay lại thị trường để mua tiếp. Ngay cả những nhà đầu tư có dòng vốn tốt đa phần vẫn ở trạng thái nghe ngóng, chưa vội xuống tiền với đất nền ở xa thời điểm này.