Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 được đề xuất từ gần một thập kỷ trước là kỳ vọng của tỉnh Quảng Trị và các bên đã nỗ lực để dự án sớm được triển khai. Tuy nhiên, từ lễ khởi công đến nay, dự án vẫn chưa được thực hiện.
Tại hội nghị, hai bên đã thảo luận các nội dung liên quan đến tiến độ tổng thể của dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1; tiến độ thành lập công ty BOT; kế hoạch thực hiện dự án và các đề xuất của EGATi.
Sau khi thảo luận, hai bên đã đưa ra được các giải pháp quan trọng. Đó là từ tháng 10/2022 bắt đầu xây dựng dự án và tháng 8/2026 bắt đầu vận hành.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ khó khăn và luôn luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc. Chính vì vậy, thống nhất khung kế hoạch trên phải được thực hiện chứ không thể muộn hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng thống nhất với cam kết của EGATi là sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay với thiết bị sản xuất tại các nước G7.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng EGATi cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hoàn thành hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời sớm hoàn thiện các nội dung liên quan, đảm bảo tiến độ dự án. Những nội dung được ký kết, triển khai cần đảm bảo hài hoà và phù hợp với quy định của Việt Nam và Thái Lan…
Được biết, Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 (gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.320 MW) thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị là dự án quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư theo hình thức BOT từ tháng 8/2013. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng đã được khởi công hồi tháng 11/2019. Đây là dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn nhất thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay.
Dự kiến nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 khi đi vào hoạt động sẽ mang lại thời gian phát điện 6.000 giờ/năm, sản lượng điện sản xuất 7.200 tỷ Kwh/năm, doanh thu trước thuế khoảng 12.500 tỷ đồng/năm, nộp vào ngân sách tỉnh Quảng Trị 1.250 tỷ đồng/năm, chưa tính các loại thuế và phí khác.
Sau khi khởi công, dự án vướng nhiều thủ tục, dẫn tới việc phải "đắp chiếu". Trong đó, vướng mắc lớn nhất là nhà đầu tư chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương, chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, chưa thống nhất giá bán điện.
Cuối năm ngoái, phía EGATi bày tỏ mong muốn được ký kết tắt hợp đồng trong khi chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương khẳng định việc này không phù hợp với pháp luật Việt Nam.