Tham gia thảo luận bàn tròn về chuyên đề "Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn chung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế" tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5/12, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, muốn phục hồi thị trường lao động thì doanh nghiệp phải phục hồi và đón người lao động trở lại, đào tạo lại, bảo đảm an toàn sức khỏe, bảo đảm vaccine và chăm sóc y tế cho người lao động, nếu không họ không thể an tâm làm việc.
Trong đó, theo ông Phạm Tấn Công phải hướng đến mục tiêu “an cư, lạc nghiệp” như ông cha ta từng nói, không thể để cho người lao động ở trong những nhà trọ mấy mét vuông, điều kiện hết sức khó khăn. Rõ ràng nếu xảy ra dịch bệnh thì người lao động ở những khu vực này sẽ bỏ đi hết.
"Chúng ta hướng đến mục tiêu đến 2045 trở thành nước phát triển thì không thể chấp nhận người lao động sống như vậy", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Tấn Công, nhân dịp này phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động, có an cư mới an tâm, có an cư mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các địa phương như vừa rồi. Doanh nghiệp sẵn sàng làm việc này nhưng cần cơ chế, chính sách của nhà nước, các điều kiện ưu đãi để tạo dựng chỗ ở ổn định, tạo an tâm lâu dài cho người lao động. Còn lạc nghiệp là phải có một việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Ông Phạm Tấn Công cũng lưu ý, cần cơ cấu lại tổng thể lực lượng lao động, dần bỏ lao động phổ thông, dịch chuyển sang lao động ở bậc cao hơn, đồng thời là lao động tại chỗ để tránh việc dịch chuyển lao động quá lớn như vừa qua.
Theo ông Phạm Tấn Công, bình thường mới thì cần một thể chế mới, COVID-19 tạo áp lực cho chúng ta nhưng cũng là cơ hội lịch sử, cơ hội vàng để chúng ta đột phá về thể chế.
"Để phục hồi cần gói hỗ trợ nhưng để phát triển bền vững cần thể chế. Gói thể chế này là một phần trong chương trình phục hồi bền vững. Tôi cho rằng đây mới là gói cứu trợ mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhất", Chủ tịch VCCI nói.
Chia sẻ cùng quan điểm, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho rằng lao động tại các khu công nghiệp là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước song nhìn chung họ chưa có được chỗ ở tốt, đa số ở trong các nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, môi trường, sức khỏe.
Ông Phạm Văn Thịnh đề nghị trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.
Cản trở lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng như người lao động vay, hiện chỉ trông chờ vào nguồn cấp từ ngân sách nên rất khó khăn. Vì vậy, ông Thịnh đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét 2 giải pháp.
Thứ nhất, tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp (sửa đổi Nghị định 100 năm 2015 và Nghị định 49 năm 2021) và nâng cao chất lượng công trình, hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.
Hai là, thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành. Nguồn tiền gửi của quỹ là từ các doanh nghiệp sử dụng lao động (với yêu cầu bắt buộc) và nguồn gửi từ người lao động (có nhu cầu mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội - khuyến khích, không bắt buộc).
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nhu cầu thuê, mua quỹ nhà ở xã hội hoặc xây dựng ký túc xá cho công nhân mình ở nhưng pháp luật chưa cho phép. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh, đây là nhu cầu hết sức chính đáng và hợp lý, Quốc hội và Chính phủ cần sửa đổi Luật Nhà ở và bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thuê, mua lại hoặc tự xây ký túc xá cho công nhân.