Theo một nghiên cứu, chúng ta dành trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày trong phòng tắm. Rất nhiều người có thói quen cất những đồ dùng như bàn chải, khăn tắm, dao cạo râu, mỹ phẩm, nước hoa,… ngay trong phòng tắm để thuận tiện sử dụng cho nhu cầu chăm sóc, vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, có một sự thật là phòng tắm không phải nơi lý tưởng để cất giữ những món đồ này. Độ ẩm cao, nhiệt độ nóng lạnh thất thường trong phòng tắm là môi trường tốt để vi khuẩn có hại sinh sôi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đồ dùng, vừa thiệt hại kinh tế, vừa không tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Cùng theo dõi danh sách những món đồ không nên để trong phòng tắm dưới đây xem bạn có mắc phải sai lầm nào không và sửa ngay nếu có nhé!
1. Dao cạo râu
Hơi nước nóng từ vòi hoa sen cùng sự tích tụ của độ ẩm trong phòng tắm có thể làm gỉ các lưỡi dao cạo râu, từ đó gây hại cho làn da của bạn. Ngay cả khi bạn vệ sinh đúng cách và lau khô sau khi sử dụng, việc bảo quản trong môi trường phòng tắm ẩm ướt vẫn làm giảm tuổi thọ của dao cạo.
2. Bàn chải răng
Nếu bạn xả nước mà không đậy nắp bồn cầu, vi khuẩn từ bồn cầu có thể bắn xa tới 4-5m, tức là gần như toàn bộ không gian phòng tắm. Để bàn chải răng trong phòng tắm đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ đưa đủ thứ vi khuẩn gây bệnh vào miệng khi đánh răng mà không biết. Đó là lý do vì sao các nha sĩ thường khuyên chúng ta nên để bàn chải đánh răng càng xa phòng tắm, phòng vệ sinh càng tốt, lý tưởng nhất là cất bàn chải ở nơi khô ráo hoàn toàn.
3. Nước hoa
Môi trường phòng tắm có thể phá hủy cấu trúc phân tử của nước hoa, khiến chúng biến đổi, mất đi mùi hương nguyên gốc. Vì vậy, để bảo quản những lọ nước hoa yêu thích của bạn, hãy tìm một ngăn tủ quần bên ngoài phòng tắm rồi cất vào đó.
4. Dụng cụ trang điểm
Hầu hết các "tín đồ" làm đẹp đều biết phải thường xuyên vệ sinh, làm sạch cọ, dụng cụ trang điểm sau khi sử dụng để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, ngăn vi khuẩn phát triển. Nhưng sau khi vệ sinh, tốt hơn hết bạn nên bảo quản dụng cụ trang điểm ở nơi khô ráo thay vì để luôn trong phòng tắm, chờ đến lần sử dụng tiếp theo. Môi trường phòng tắm rất thuận lợi cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Và cũng giống như với bàn chải đánh răng, chúng sẽ sinh sôi trên những chiếc cọ mà bạn dùng để bôi trực tiếp lên mặt.
5. Khăn tắm
Để những chiếc khăn tắm ẩm, đã qua sử dụng trong phòng tắm có thể là một nguyên nhân khiến da bạn thường xuyên bị kích ứng, mẩn ngứa. Hơi ấm và độ ẩm khiến phòng tắm trở thành môi trường hoàn hảo để vi khuẩn, nấm, mốc sinh sôi, nảy nở. Chiếc khăn tắm ẩm sẽ dễ dàng lan truyền những tác nhân gây hại này đến da. Do vậy, tốt nhất là bạn nên phơi khăn đã dùng ở nơi khô thoáng, để khăn khô hẳn rồi mới dùng và giặt sạch khăn sau 3 lần sử dụng.
6. Áo choàng tắm
Tương tự như khăn tắm, áo choàng tắm bị ẩm có thể là một "ổ" vi trùng, vi khuẩn, đồng thời độ ẩm có thể khiến vải áo có mùi khó chịu. Nếu bạn mặc một chiếc áo choàng ẩm ướt ngay sau khi tắm, việc tắm rửa trước đó của bạn sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, thay vì treo áo choàng tắm trong phòng tắm, hãy treo áo ở nơi khô thoáng, có ánh nắng mặt trời chiếu vào là tốt nhất.
7. Mỹ phẩm, kem chống nắng
Nhiều người có thói quen để các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng ẩm, kem chống nắng trong phòng tắm để tiện dùng luôn ngay sau khi tắm. Tuy nhiên, nếu mỹ phẩm của bạn không được nắp chặt, không khí ẩm ướt trong phòng tắm có thể kích thích vi khuẩn gây mụn sinh sôi. Mỗi khi bạn tắm nước nóng, hơi nóng dễ khiến các thành phần trong mỹ phẩm bị tách ra, nhanh hỏng hay nguy hiểm hơn là biến chất, tác động xấu đến làn da của bạn. Nơi tốt nhất để cất các sản phẩm chăm sóc da là tủ đặt bên ngoài phòng tắm hoặc tủ lạnh.
8. Đồ trang sức, phụ kiện
Phòng tắm không phải là nơi thích hợp để cất đồ trang sức, ngay cả khi bạn chỉ cởi bỏ chúng một lát trước khi tắm rồi đeo lại luôn. Môi trường ẩm ướt ở đây sẽ khiến đồ trang sức bị oxi hóa, nhanh xỉn màu, mất đi độ bóng. Ngoại trừ đồ trang sức bằng vàng nguyên chất, những món trang sức, phụ kiện yêu thích của bạn thường được cấu tạo từ nhiều kim loại khác nhau nên sẽ có phản ứng oxi hóa nhanh hơn trong môi trường độ ẩm cao.
9. Điện thoại
Bạn không nên sử dụng điện thoại khi đang đi vệ sinh, đồng thời, việc mang điện thoại vào phòng tắm cũng không an toàn. Nếu bạn có thói quen nghe nhạc trong khi tắm, hãy đầu tư vào một chiếc loa chống thấm nước thay vì cầm điện thoại vào phòng tắm.
Lan Chi
>> Muốn có giấc ngủ ngon, đừng để 8 món đồ này trong phòng ngủ
>> 10 thói quen nhà bếp vừa gây hại cho đồ dùng, vừa rước bệnh vào người
>> 8 thói quen dọn dẹp nhà cửa bạn vẫn làm mỗi ngày nhưng "sai toét"