1. Núm cửa, nút nhấn, tay cầm, bảng điều khiển
Tủ bếp và các thiết bị bếp đều có các bảng điều khiển hay tay cầm mà chúng ta phải chạm vào hoặc cầm/nắm để có thể sử dụng. Nhưng chúng ta lại thường sử dụng các núm, nút hay bảng điều khiển sau khi sơ chế thực phẩm hoặc trước khi rửa tay, để lại bụi bẩn và vi khuẩn Salmonella, Listeria, E. coli, nấm mốc, nấm men trên đó. Tất cả các vi sinh vật này có thể gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe của các thành viên trong gia đình nói chung.
Tay nắm tủ bếp, tay cầm thiết bị và bảng điều khiển nên được làm sạch hàng ngày hoặc sau mỗi lần bạn sơ chế thực phẩm. Bạn có thể sử dụng chất diệt khuẩn hoặc chất tẩy rửa có khả năng diệt khuẩn kết hợp cùng vải sạch hay khăn giấy sạch để vệ sinh.
2. Bồn rửa
Mặc dù có rất nhiều nước chảy qua bồn rửa mỗi ngày nhưng đây vẫn là nơi ẩn nấp của nhiều vi khuẩn, đặc biệt ở vị trí tiếp nối giữa bồn rửa với bàn bếp, quanh miệng cống và rổ chặn rác.
Theo Tổ chức Vệ sinh Quốc gia Quốc tế (NSF) của Mỹ, 45% số bồn rửa trong nhà được thử nghiệm đều chứa vi khuẩn E. coli hoặc các vi khuẩn dạng coli.
Bồn rửa nhà bếp nên được khử trùng hàng ngày hoặc sau mỗi lần nấu nướng hay rửa chén bát. Đừng bỏ qua vòi nước và khu vực xung quanh bồn rửa vì các mảnh vụn thức ăn thường văng bắn vào đây mỗi khi bạn rửa chén bát hay thực phẩm.
Bồn rửa là một trong những vị trí cực bẩn, cần được làm sạch hàng ngày bằng chất khử trùng và khăn lau kháng khuẩn. |
Sử dụng chất tẩy rửa bồn có khả năng khử trùng cùng khăn sạch hoặc khăn lau kháng khuẩn một lần để làm sạch khu vực này.
3. Khăn lau và miếng bọt biển
Nhằm nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng khăn giấy và tác động của chúng đối với môi trường, nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng bọt biển, bàn chải chà rửa và khăn lau bát. Thật không may, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi NSF, có ít nhất 75% những vật dụng này chứa vi khuẩn dạng coli (có thể là Salmonella hoặc E.coli).
Nếu sử dụng những sản phẩm này, bạn nên rửa lại chúng bằng nước nóng sau khi nấu nướng hoặc rửa chén bát. Bàn chải cọ bồn rửa, rau củ có thể được đưa vào máy rửa chén để làm sạch kỹ càng sau mỗi lần sử dụng.
4. Tủ lạnh
Chúng ta vẫn biết, có rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn ẩn nấp ở tay nắm tủ lạnh và bàn di chuột, nhưng dưới nhiệt độ lạnh, nhiều loại vi khuẩn có hại còn có thể phát triển bên trong tủ lạnh.
Hầu hết hoa quả, rau củ sẽ tươi lâu hơn nếu chúng không được rửa sạch trước khi cho vào tủ lạnh cất trữ. Do đó, khi được đưa vào trong ngăn tủ, những thực phẩm này vẫn bám đầy thuốc trừ sâu và vi khuẩn. Tất nhiên, chúng ta vẫn rửa chúng trước khi nấu nướng nhưng vi khuẩn và vi trùng vẫn tích tụ trong ngăn chứa của tủ lạnh..
Tương tự với thịt sống được tích trữ trong tủ lạnh. Bao bì rò rỉ làm chất lỏng từ thịt sống đọng lại trong các ngăn kéo, dọc theo các cạnh kệ tủ. Ngay cả với các sản phẩm đóng gói như sữa hay bơ đã cũng mang theo vi khuẩn vào tủ lạnh.
Để loại bỏ các vi khuẩn dạng coli cũng như ngăn ngừa nấm men và nấm mốc phát triển trong tủ lạnh, hàng tháng, hãy tháo ngăn kéo, kệ tủ lạnh ra và rửa sạch sẽ với nước ấm cùng chất tẩy rửa nhẹ. Sau đó, lau khô chúng bằng vải sạch hoặc khăn giấy.
Giữa mỗi lần tổng vệ sinh tủ lạnh, hãy làm sạch mọi vết nước và bề mặt bên trong tủ bằng khăn lau kháng khuẩn. Đừng quên dành vài phút lau bụi trên nóc tủ lạnh và hút bụi nơi gầm tủ lạnh. Tháo nắp thông hơi để hút sạch bụi trên các cuộn dây vì chúng là nguyên nhân khiến tủ lạnh phải hoạt động hết công suất và tiêu tốn nhiều điện hơn để duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết.
5. Thớt
Thớt, nhất là loại làm từ chất liệu gỗ thường chứa vi khuẩn ở các rãnh nhỏ hay vết nứt sau mỗi lần sử dụng. Bạn nên sắm hai chiếc thớt riêng biệt, một chiếc chỉ để cắt trái cây, rau củ và một chiếc để cắt, thái thịt tươi sống. Điều này sẽ giúp làm giảm lây nhiễm chéo vi khuẩn trong quá trình nấu nướng.
Rửa thớt kỹ càng với nước nóng, xà phòng và xả lại bằng nước nóng. Sau đó, lau thật khô bằng khăn giấy hoặc khăn vải. Đừng để thớt ẩm ướt vì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển. Bạn cũng có thể đặt thớt trong máy rửa chén bát để làm sạch kỹ lưỡng hơn.
6. Máy xay sinh tố, máy pha cà phê
Nước sạch khi ở trong môi trường ấm áp, ẩm ướt như máy pha cà phê cũng có thể tạo điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn, nấm men và nấm mốc phát triển. Nhiều thiết bị nhà bếp cần được làm sạch sau mỗi lần sử dụng. Tối thiểu hàng tuần, hãy tháo rời và làm sạch từng bộ phận của các thiết bị này. Một số bộ phận có thể được làm sạch trong máy rửa chén bát, trong khi một số bộ phận khác nên được rửa bằng nước nóng, xà phòng, sau đó tráng lại với nước nóng và sấy khô hoàn toàn.
Quy trình làm sạch trên cũng nên được áp dụng cho các vật dụng nhỏ hơn như dụng cụ mở nắp chai, thìa và cốc đong.
7. Hộp đựng thức ăn, túi đi chợ và chai đựng nước
Mỗi khi bạn sử dụng hộp đựng thức ăn, túi đi chợ hay chai đựng nước là mỗi lần tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn chéo, trừ khi chúng được vệ sinh đúng cách.
Các hộp đựng thực phẩm nên được tháo nắp và đặt trong máy rửa chén bắt hoặc rửa bằng nước nóng, xà phòng, tráng qua nước nóng và sấy khô hoàn toàn. Túi đi chợ có thể cho vào máy giặt để làm sạch kỹ lưỡng.
Lời khuyên đối với túi đi chợ đó là sử dụng tách biệt túi để đựng rau củ quả và túi để đựng thịt.
8. Mặt bàn bếp
Có phải bạn vẫn sơ chế thực phẩm ở cùng vị trí đã đặt túi đi chợ?
Hàng ngày, hãy lấy giấy hoặc khăn khử trùng và bình xịt kháng khuẩn để làm sạch bề mặt bàn bếp trước khi sơ chế thực phẩm. Tránh lấy bọt biển hay lưới rửa chén đã dùng vì chúng đã nhiễm vi khuẩn và vi trùng.
Ít nhất mỗi tuần, nên dành thời gian vệ sinh các góc nhỏ, phía dưới thiết bị bếp và các cạnh giữa bếp hoặc tủ lạnh với mặt bàn. Bạn sẽ không thể tưởng tượng được thứ gì ẩn nấp bên trong những không gian ẩm ướt, tối tăm đó.
9. Lọ đựng muối, tiêu
Ít ai ngờ rằng, một trong những vị trí cực bẩn trong nhà lại là lọ đựng muối, tiêu. Bạn có thường xuyên sử dụng chúng mỗi khi nấu nướng và liệu bạn có rửa tay trước khi chạm vào chúng hay cứ thế lấy và nêm nếm gia vị?
Hãy lau chúng kỹ lưỡng bằng khăn kháng khuẩn sau mỗi lần nấu nướng và làm sạch kỹ lưỡng hàng tuần.
Minh Châu