Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Đặng (36 tuổi, TP.HCM) về câu chuyện “chôn vốn” vào đất nền phân lô vì thiếu kinh nghiệm, không kiểm tra kỹ pháp lý dự án.
Cuối năm 2015, sau khi nhận thấy cứ làm công ăn lương đều đều hàng tháng thì sẽ khó có đột phá về mặt tài chính, tôi quyết định dấn thân vào con đường đầu tư bất động sản với chiến lược tìm mua đất nền vùng ven Sài Gòn, chờ đất lên giá rồi bán lại kiếm lời. Từ số vốn ít ỏi tích lũy được và 100 triệu đồng được chia thừa kế của ông bà, tôi bắt đầu cuộc “săn” đất.
Hồi đó, mỗi cuối tuần hay bất cứ khi nào rảnh, tôi đều chạy xe từ Sài Gòn ra các huyện ngoại thành, các tỉnh giáp ranh để khảo sát, tìm hiểu thông tin thị trường, nghe ngóng xem ở đâu rao bán đất trong tầm tiền của mình mà có tiềm năng tăng giá. Tuy mỏng vốn, non kinh nghiệm nhưng may mắn thế nào mà chỉ trong vòng nửa năm, tôi đã chốt thành công hai “phi vụ” đất nền với giá tốt: một miếng ở Hòa Phú, Củ Chi, 150m2, giá 255 triệu và một miếng ở Đồng Nai, 359m2, giá 120 triệu. Tôi phải vay mượn ngược xuôi, xoay đủ kiểu mới có tiền trả cho người bán. Đến khi cầm sổ đất có tên mình trên tay, tôi thấy lâng lâng khó tả. Khởi đầu thuận lợi ngoài mong đợi khiến tôi sinh tâm lý chủ quan, mơ mộng rằng biết đâu một ngày nào đó, mình sẽ có đất ở tất cả các tỉnh giáp ranh Sài Gòn. Tôi hăm hở tiếp tục cuộc “săn” đất mà chẳng ngờ mình sẽ sớm phải trả “khoản học phí” đầu tiên vì thiếu kinh nghiệm, ham rẻ lại mù mờ pháp lý.
Ham giá rẻ, tôi mua phải miếng đất bị vây bốn phía, không có đường vào. Ảnh minh họa
Tháng 6/2016, tôi được một môi giới dẫn vào xã Tân Định, Bến Cát, Bình Dương, cách khu Mỹ Phước 4 không xa. Môi giới chỉ cho tôi vài lô đất, giá tầm 180 triệu/lô. Thấy giá có vẻ hợp lý, tôi nói với môi giới sẽ suy nghĩ thêm. Hôm sau, tôi quay lại khu đó, dạo một vòng để xem cơ sở hạ tầng, dân cư thế nào. Tôi thấy đường sá rộng rãi, sạch sẽ nhưng cả khu chỉ có duy nhất một căn nhà. Lân la vào làm quen, hỏi thăm, tôi được chủ nhà tên Út cho biết cả khu chỉ có mình nhà cô là vì khu này chưa được kéo điện nên không ai xây nhà được. Nhà cô Út dùng điện là do tự bỏ tiền kéo điện từ ngoài đường lớn vào. Cô Út nói nhà cô mua đất năm 2011, giá hồi đó là 230 triệu nên bây giờ 180 triệu là rẻ nhiều rồi. Nghe đến đây, nếu là người có kinh nghiệm, chắc hẳn trong đầu họ sẽ vang lên một hồi chuông cảnh báo có vấn đề. Nhưng “lính mới” là tôi chỉ nghĩ rằng có thể mình sẽ mua được thêm một mảnh đất giá rẻ. Tôi nghĩ mình có nhà ở Sài Gòn rồi, không định xây nhà ở đây nên chẳng cần quan tâm chuyện có điện hay không, đằng nào thì tôi cũng chỉ mua rồi chờ giá lên để bán lại.
Từ nhà cô Út về, tôi bất chợt nhìn thấy một bảng quảng cáo bán đất ngay gần đó, chỉ cách khoảng 5 lô. Thông tin cho biết lô đất diện tích 5x20m, giá 160 triệu, chính chủ bán. Gọi vào số điện thoại kèm theo, người bán nói họ ở tận trên Đắk Lắk, trước kia mua với dự định xuống Bình Dương lập nghiệp, nhưng nay đang kẹt tiền nên cần bán gấp, có thể bớt chút ít cho người mua thiện chí. Tôi mạnh dạn trả giá 130 triệu. Mất một tuần thương lượng lên xuống, người bán mới đồng ý giá đó nếu tôi tự lo thủ tục, giấy tờ. Tôi mừng quýnh vì chốt được giá quá hời, dù lúc đó trong túi chỉ có 50 triệu, lại tiếp tục chiến dịch xoay tiền, phải mượn của mẹ tôi mới đủ. Thêm hai lần hẹn người bán từ Đắk Lắk xuống Bình Dương và nhiều chuyến đi lại lo giấy tờ, thủ tục, khoảng hơn một tháng sau, tôi đã được cầm trên tay sổ đất ghi tên mình.
Lúc đó, mở sổ ra, tôi mới thấy có gì là lạ. Trong sổ, miếng đất tôi mua chỉ được thể hiện bằng một hình bốn cạnh vuông vức, không thấy có đường trên sổ như hai miếng đất trước. Tôi tức tốc quay lại Bình Dương thăm đất, vẫn thấy đường sá rộng rãi, trải nhựa sạch sẽ, vỉa hè, cống thoát nước, cây xanh đều có, chỉ có điều nhà cửa thưa thớt quá. Ghé nhà cô Út bắt chuyện, tôi mới biết khu này trước đây cũng nhiều người mua, nhưng sau đó một phần không ra được sổ, một phần không có điện để xây nhà nên người ta tìm cách bán lại hoặc chấp nhận để đó chứ không ai đến ở. Chỉ có mình cô Út làm căng, đi thưa kiện khắp nơi, chủ dự án mới bất đắc dĩ kéo điện cho mình nhà cô, còn đòi phải bù thêm tiền. Tôi cũng hỏi sao ở đây đường sá có đủ, đẹp đẽ vậy mà trên sổ không có đường. Cô Út bảo không biết, chỉ nghe nói bên điện lực không cấp điện cho khu này cũng là vì thiếu đường.
Về nhà, tôi tìm hiểu thêm mới biết ở Bến Cát, có nhiều trường hợp chủ dự án mua một thửa đất lớn, chỉ có duy nhất một mặt tiếp giáp đường. Sau đó, họ làm hạ tầng đẹp đẽ, phân ra nhiều lô nhỏ rồi làm hồ sơ tách thửa. Lô đất của tôi cũng là một trong những lô đã được chủ dự án tách nhỏ ra. Dù bên ngoài, tôi có nhìn thấy đường trước đất, nhưng thực tế bốn phía xung quanh đều tiếp giáp đất của người khác, không có lối vào. Tôi được biết nếu muốn cập nhật đường trên sổ, chủ dự án phải hiến đất, làm hạ tầng, ký giáp ranh với các chủ đất liên quan và làm văn bản hiến đất cho Nhà nước. Sau đó, Nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra xem đường được hiến đó có phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương không; có đấu nối với đường Nhà nước hiện hữu không; hệ thống điện, cấp thoát nước có đáp ứng với hạ tầng hiện hữu không?… Quá trình này phức tạp, mất rất nhiều thời gian, tốn kém, không phải cứ muốn hiến đất là được chấp nhận nên chủ dự án không mặn mà, chỉ lo bán được đất là xong. Những người thiếu kinh nghiệm như tôi lỡ mua phải rồi xây nhà không được, bán đi cũng khó và khi cần, muốn thế chấp đất để vay vốn ngân hàng cũng bị từ chối.
Trong khi những miếng đất khác đều dễ dàng tìm được người mua, mang về cho tôi khoản lời như mong đợi thì miếng đất thiếu đường này bị kẹt lại suốt một thời gian dài. Đó chính là “khoản học phí” tôi phải trả để đổi lấy bài học kinh nghiệm đầu tư đất nền quý giá. Sau “phi vụ” đó, tôi đều cẩn thận kiểm tra pháp lý của mỗi miếng đất dự định mua, đảm bảo dự án đạt đủ điều kiện pháp lý theo quy định của Nhà nước mới chốt, không ham rẻ để rồi “chôn” vốn, chẳng biết khi nào mới đẩy được hàng.
Lan Chi (ghi)
>> Ôm mộng làm giàu từ đất, cặp vợ chồng "ngã đau" vì mù mờ pháp lý
>> 4 cách nhận biết một dự án đất nền không đủ điều kiện pháp lý
>> 4 loại đất nền cần “né” khi đầu tư bất động sản