Gia đình ông Quốc mua 2 lô đất giá 480 triệu đồng ở một dự án khu dân cư tại Gia Lai. Hợp đồng mua bán là hợp đồng bán nhà nhưng thực chất, ông Quốc đóng tiền mua đất còn phải tự bỏ tiền làm nhà theo thiết kế mà chủ đầu tư cung cấp. Phía chủ đầu tư cam kết sẽ làm hạ tầng thiết yếu để gia đình ông vào sinh sống.
Trước khi được UBND tỉnh Gia Lai giao đất, chủ đầu tư cũng cam kết đến năm 2012 sẽ hoàn thành khu nhà ở 345 căn hộ hoàn thiện cùng cơ sở hạ tầng gồm hệ thống điện, đường nhựa, nhà trẻ, hệ thống cấp thoát nước. Kèm với quyết định giao đất, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán đất nền.
Về phần ông Quốc, sau nhiều năm đóng tiền nhưng vì hạ tầng chưa đảm bảo nên ông vẫn chưa xây nhà. Đến năm 2016, ông Quốc nhận được thông báo đơn phương thanh lý hợp đồng từ chủ đầu tư với lô đất ông mua do đã quá thời hạn cam kết mà ông không xây nhà. Vì sợ mất đất nên ông Quốc đến trụ sở chi nhánh thương lượng gia hạn thời gian xây dựng đến năm 2017 và được chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên đến tháng 9/2016, ông Quốc mới tá hỏa phát hiện lô đất của mình đã bị bán cho người khác với giá cao hơn 3 lần giá ông mua vào.
Anh Minh mang tiền đi mua đất với hy vọng kiếm được khoản tiền lớn để nghỉ hưu sớm. Ảnh minh họa |
Không riêng ông Quốc mà có rất nhiều người sa lầy vì mua đất tại dự án này, trong đó có anh Minh (35 tuổi, là lập trình viên). “Tôi mang gần 400 triệu đi đầu tư ở dự án này vì thấy vị trí khá đẹp, địa thế bằng phẳng, gần trung tâm, giá mềm, hy vọng sau này thu về được một khoản để có thể nghỉ hưu sớm trước tuổi. Nhưng ai ngờ cuối cùng lại bị chôn tiền ở đây, còn mất thêm thời gian đi chạy vạy kiện tụng”, anh Minh nói.
Hợp đồng mua bán do chủ đầu tư lập có những điều khoản nếu khách hàng không chú ý kỹ sẽ rất dễ mắc “bẫy”. Chẳng hạn, công ty quy định thời hạn mà khách hàng phải xây xong nhà, nếu quá thời hạn sẽ bị thanh lý hợp đồng và công ty có quyền đơn phương chuyển hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng lại không quy định chủ đầu tư phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho việc xây nhà.
Tính đến tháng 7/2019, đã có hơn 160/345 lô đất được bán thông qua hình thức hợp đồng bán nhà nhưng thực chất là phân lô bán nền không đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku xác nhận chủ đầu tư dự án đã mang nhiều bìa đỏ đi "gửi" ở ngân hàng. Thanh tra Sở Xây dựng Gia Lai cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, chủ đầu tư đã gửi thông báo đơn phương thanh lý hợp đồng tới hơn 45 khách hàng, doanh nghiệp trả khách hàng số tiền mua ban đầu cộng thêm 8% lãi suất năm (lãi suất ngân hàng) hoặc hoán đổi 1 lô đất khác.
Chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết với tỉnh, ký hợp đồng mua bán nhà nhưng thực chất là phân lô bán nền, ký hợp đồng với khách hàng sau đó đơn phương chấm dứt hợp đồng rồi tiếp tục bán cho người khác, cuối cùng thế chấp lô đất đó để vay vốn ngân hàng. TAND TP. Pleiku đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra hành vi có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của chủ đầu tư này.
- Những quy định pháp lý không thể bỏ qua khi mua bán bất động sản
- Danh sách tin đăng bán đất nền dự án mới nhất
Trong trường hợp này, để đòi lại quyền lợi và giảm tối đa thiệt hại, luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM khuyên người mua cần làm đơn tố giác đến cơ quan cảnh sát điều tra nơi có mảnh đất, yêu cầu làm rõ vụ việc. Ngoài ra, người mua cũng cần gửi văn phòng đăng ký đất đai văn bản yêu cầu tạm ngừng các giao dịch trong một thời hạn nhất định.
Các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo người mua nhà đất đã được nhắc đến nhiều như bán một mảnh đất cho nhiều người, mang dự án đã bán đi thế chấp, giả mạo công ty bất động sản lớn, vẽ dự án ma, giả mạo ngân hàng thanh lý nhà đất, đánh tráo làm giả sổ đỏ, lừa bán nhà đất qua vi bằng…
Cuối năm 2019, Văn phòng nhà đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng từng công bố một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng. Thông tin này khiến nhiều người lo sợ sẽ bị mất nhà. Hay hàng chục người mua nền đất tại một dự án khu nhà ở ven sông thuộc quận 2, TP.HCM cũng phản ánh sổ đỏ đáng ra họ được nhận lại bị chủ đầu tư mang đi thế chấp ngân hàng. Hơn một nửa số lô đất đã được người mua xây nhà và sinh sống ổn định trên đó. Một số người đang dang dở việc xây nhà phải ngừng thi công để giải quyết vụ việc.
Trước vấn đề này, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác và biết cách xử lý khi "mắc bẫy".
Một số thủ đoạn lừa đảo người mua nhà đất Giả ngân hàng thanh lý nhà đất Cò đất nghiệp dư tung ra những thông tin quảng cáo như "bán đất nền ngân hàng thanh lý giá rẻ tại quận 2, quận 9, Thủ Đức"... hoặc mạo danh là nhân viên ngân hàng để tạo niềm tin với khách. Lừa đảo chiếm dụng tiền đặt cọc Một số doanh nghiệp địa ốc rao bán các dự án đất nền “ma”, thực chất là đất rừng, đất nông nghiệp, đất quy hoạch dành cho công trình công công... để chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Lừa đảo bán nhà đất qua vi bằng Một số đối tượng rao bán những ngôi nhà "ba chung"(chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà) cùng lời quảng cáo hấp dẫn “giao dịch có vi bằng do Thừa phát lại lập”. Nhưng vi bằng không có giá trị như hợp đồng công chứng. |
Khánh Trang
>> Không phải 100% nhà đầu tư BĐS đều biết hết những chiến thuật này
>> Bùng nổ dự án ma: Không tham đâu dễ mắc bẫy?
>> 4 sai lầm mà hơn 70% người mua nhà đều mắc phải