Nhiều người khi giao dịch bất động sản thổ cư thường chỉ quan tâm đến hợp đồng mua bán mà xem nhẹ hợp đồng đặt cọc, dẫn đến việc bên bán "lật kèo" ngay khi tìm được khách hàng trả giá cao hơn, người mua dù đã bỏ tiền "giữ chỗ" nhưng vẫn không mua được nhà, đất. Để tránh trường hợp này xảy ra, người mua khi đặt cọc phải lập thành hợp đồng với các thông tin, điều khoản ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, đồng thời nên công chứng để đảm bảo tính pháp lý tối đa.
Theo quy định tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại”. Điều đó có nghĩa việc yêu cầu bồi thường thiệt hại tiền đặt cọc là quyền lợi chính đáng của người mua. Khách hàng cần nắm được điều này để thỏa thuận và ghi rõ vào hợp đồng quy định về khoản bồi thường, phạt cọc nếu 1 trong 2 bên vi phạm thỏa thuận.
Linh Phương