Năm 2015, anh Mạnh mua một ngôi nhà xây sẵn ở huyện Nhà Bè với giá 1,4 tỷ đồng. Ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu được xây dựng trên diện tích đất 68m2. Nếu tính giá đất khoảng 14 triệu/m2 như anh đã tham khảo một vài mảnh đất lân cận và thêm chi phí xây dựng khoảng 4 triệu đồng/m2 thì ngôi nhà này có mức giá khá hời. Hơn nữa, vì hai vợ chồng anh mới cưới được một năm, tiền tiết kiệm không nhiều và công việc của cả hai cũng khá bận rộn nên rất khó để mua đất, xây nhà theo ý muốn của mình. Cả hai cũng không dám vay quá nhiều tiền để mua một ngôi nhà rộng đẹp hơn.
Ban đầu cả hai vợ chồng khá lo rằng nhà xây sẵn sẽ không được như ý. Tuy nhiên sau khi xem nhà, anh Mạnh khá yên tâm vì thấy đồ đạc trong nhà nhìn khá chắc chắn và cũng có thương hiệu, tất nhiên không thể là hàng cao cấp với mức tiền này.
Ưng ngôi nhà từ vị trí, đường đi lại thuận tiện đến hướng Đông Nam hợp với tuổi, hai vợ chồng anh tập trung vào tính pháp lý, xem xét kỹ các loại giấy tờ chủ quyền, quy hoạch... Mọi thứ đều xong xuôi nên anh thấy khá yên tâm, duy nhất chỉ có một vấn đề là ngôi nhà này chung tường với nhà bên cạnh. Khi đó, anh Mạnh nghĩ rằng hai nhà chung một bức tường dày 20cm cũng không ảnh hưởng gì, nhà ai người nấy ở, cũng không sợ ồn hay phiền đến ai. Tham khảo thêm ý kiến bạn bè và người thân, cũng có nhiều người khuyên hai vợ chồng anh nên cân nhắc kỹ vì nhà xây sẵn và có tường chung nên sau này có vấn đề gì phát sinh thì lại càng thêm rắc rối.
Người mua nên cân nhắc khi mua nhà có tường chung. Ảnh minh họa
Suy đi tính lại, hai vợ chồng anh quyết định mua vì nhà khá gần nơi làm việc, sau này có con cũng tiện vì nhà gần trường học. Cuối năm 2015, vợ chồng anh Mạnh dọn về nhà mới. Cuộc sống trong căn nhà mới rất thuận lợi và êm đẹp trong thời gian đầu. Về ở, hai vợ chồng mới nhận ra là chủ nhà cũ đã “đội lốt” cho ngôi nhà này khá hoàn hảo. Chất lượng thực sự của ngôi nhà không hề được như vẻ ngoài bóng bẩy. Bước sang tháng thứ 8, ngôi nhà bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp khi chân tường và mái nhà bị thấm nước. Sau những ngày triều cường, nước ngập vào trong khiến nhà càng nhanh xuống cấp. Vợ chồng anh phải bỏ tiền sửa chữa, chắp vá hết chỗ nọ đến chỗ kia.
Đến năm 2019, sau nhiều lần sửa chữa và thấy khá tốn kém, hai anh chị bàn đến chuyện thế chấp chính ngôi nhà này để vay tiền xây lại. Tuy nhiên vướng mắc lớn nhất lúc này là tường chung. Trong quá trình phá dỡ, thợ có vô tình làm hổng một lỗ ở nhà bên cạnh. Họ nói thợ nhà anh làm động đến bàn thờ của nhà họ nên đòi bồi thường, nếu không sẽ kiện cho nhà anh không được xây dựng nữa. Anh Mạnh kể: "Tôi nghĩ vì là tường chung nên khi xây lại sẽ cần có sự đồng thuận của cả hai bên nhưng tôi cảm thấy số tiền 300 triệu mà họ đòi bồi thường là cao vô lý. Thỏa thuận không thành, họ đòi kiện gia đình tôi nên chúng tôi cũng không thể tiếp tục xây nhà mà phải chờ khi tranh chấp được giải quyết. Nếu biết trước vừa gặp rắc rối, vừa mất tiền thế này thì ngày trước tôi đã cố gắng vay mượn thêm để mua ngôi nhà khác".
Câu chuyện của anh Mạnh là lời khuyên cho những người mua nhà, ngoài những vấn đề chính như giá cả, pháp lý, vị trí, chất lượng…, người mua cũng cần lưu ý đến "tường riêng", "tường chung" và "tường mượn". Lựa chọn tốt nhất là mua nhà có tường riêng để có thể dễ dàng xây dựng, sửa chữa khi có nhu cầu. Khi mua nhà tường chung, trong trường hợp bạn muốn xây lại nhà, bạn sẽ mất một khoảng đất bằng một nửa chiều rộng bức tường chung đó. Hoặc đối với tường mượn, vì bức tường này không phải của nhà bạn nên bạn cũng phải xây nhà theo bức tường này.
Điều 266 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về Quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau: 1. Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó. Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ. Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 2. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý. Trong trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình. |
Vân Khánh
>> Nhà cũ “đội lốt” nhà mới: Làm sao để không bị che mắt?
>> 6 lưu ý khi mua nhà liền thổ đã qua sử dụng