Khi mua nhà, để đi đến quyết định, người mua sẽ phải đứng trước rất nhiều lựa chọn và gặp nhiều rắc rối từ bước chọn lọc tin rao, tìm nhà, kiểm tra chất lượng, tính pháp lý đến khi thương lượng, đặt cọc...
Khi lựa chọn nhà
Bắt đầu công việc mua nhà, chỉ với một thao tác gõ google tìm kiếm các ngôi nhà được rao bán tại khu vực mình muốn mua, trong khoảng giá mình có thể chi trả, người mua nhà sẽ lạc vào mê trận các tin rao bán. Giữa vô vàn tin rao này, việc chọn lọc những tin rao từ các trang uy tín là điều cần thiết để tránh bị lừa đảo.
Không những vậy, việc cân nhắc giữa vị trí, giá tiền cũng là vấn đề khiến nhiều người mua nhà phải đau đầu. Không ít người phải phân vân giữa việc chọn mua nhà vừa túi tiền nhưng phải đi xa hay cố vay mượn thêm một chút để mua nhà gần nơi làm việc và trường học của con. Tuy nhiên, phương án an toàn nhất là người mua không nên vay quá 70% giá trị nhà.
Khi kiểm tra, xác thực thông tin
Chọn lọc được 5-10 căn nhà để đi xem thực tế, người mua tiếp tục bước vào khâu quan trọng để thẩm định các thông tin về pháp lý, chất lượng, môi trường sống… Có rất nhiều người mua nhà vì lơ là trong bước này mà phải rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang.
Hành trình để sở hữu một ngôi nhà không phải là dễ dàng. Ảnh minh họa
Người mua cần xem toàn bộ giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, đối chiếu thông tin trên giấy tờ với thực tế và cần đến gặp cán bộ địa chính tại UBND xã, phường, thị trấn để xác thực thông tin. Kiểm tra kỹ càng, người mua sẽ tránh mua phải nhà đất vướng quy hoạch hoặc diện tích thực tế chênh lệch với diện tích trên sổ đỏ…
Nhiều ngôi nhà cũ được tân trang lại để bán được với giá cao hơn. Người mua cần xem kỹ và tốt nhất nên có người có chuyên môn đi cùng để kiểm tra.
Khi thương lượng giá cả
Người mua muốn mua với mức giá thấp nhất. Người bán muốn bán với giá cao nhất. Việc thương lượng để cân bằng hai mong muốn này không đơn giản. Có những trường hợp việc mua bán không thành do những bất đồng trong việc thương lượng giá cả.
Có một số mẹo thương lượng giá mà người mua có thể áp dụng như sử dụng thuật chê bai, đánh vào tâm lý, lý do mà người bán muốn bán hoặc sử dụng quy luật đồng cảm để thể hiện thiện chí muốn mua.
Theo các chuyên gia, ngoài giá cả thì việc kéo dài thời gian thanh toán cũng là một hình thức mặc cả mà người mua nên thương lượng với người bán.
Khi đặt cọc
Một rắc rối mà nhiều người mua nhà đã gặp phải là bên bán đổi ý sát ngày đặt cọc. Chẳng hạn như trường hợp của anh Tuấn. Gần 3 tháng đi tìm mua cho mình một căn hộ nhưng cũng 3 lần anh bị chủ nhà đổi ý vào sát ngày đặt cọc. Tài chính không có nhiều nên anh Tuấn tìm mua một căn hộ giá 1,4 tỷ đồng nằm tại Quốc lộ 13 (Bình Dương), giáp quận Thủ Đức.
Được môi giới dẫn đi xem nhà và đã thương lượng giá cả thành công, hẹn ngày đặt cọc nhưng đến sát ngày, môi giới thông báo với anh là chủ nhà báo có người trả giá cao hơn 70 triệu nên muốn hỏi anh có trả thêm như họ được không, nếu không sẽ bán cho người khác. Loay hoay mãi, gia đình anh vẫn chưa tìm được một căn hộ ưng ý.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung giảm nhưng giá nhà ở vẫn tăng so với cuối năm 2019. Việc khan nguồn cung, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền khiến giá nhà vẫn tăng bất chấp các tác động từ dịch bệnh khiến những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà. Số lượng dự án chung cư có giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng hiếm trên thị trường. Báo cáo thị trường quý 3/2020 của TinNhaDatVN.Com cho thấy, giá rao bán trung bình căn hộ bình dân trong quý 3 tại Hà Nội là 25 triệu đồng/m2 còn tại TP.HCM là 32 triệu đồng/m2. Dù giá nhà có xu hướng ngày càng tăng và quá trình mua nhà có nhiều rắc rối có thể phát sinh nhưng theo các chuyên gia, khi tìm được một sản phẩm ưng ý, người mua nên chớp lấy cơ hội thay vì chờ đợi giá nhà sẽ giảm hoặc chờ đến khi mình có đủ tiền.
Khánh Trang
>> Đâu là độ tuổi “vàng” để mua nhà?
>> 4 cách kiểm tra pháp lý dự án chung cư
>> Liều mua nhà 2,1 tỷ khi trong tay chỉ có 200 triệu đồng