Căn nhà nằm ở tầng 2 trong tòa nhà Pháp cổ ở Hải Phòng, được gia đình chị Hương Trang mua lại từ lâu nhưng chỉ để cho thuê nên đã cũ và xuống cấp trầm trọng. Đến khi có kế hoạch ở riêng, chị mới tiến hành sửa chữa, cải tạo nhà. Vốn là người cầu toàn về thẩm mỹ, chị muốn sửa lại nhà cho đúng ý và phù hợp với công năng sử dụng. Vì thế, ngay khi người thuê chuyển đi, chị đã bắt tay vào lên kế hoạch cho quá trình cải tạo.
Chị Hương Trang cho sửa sang lại toàn bộ nhà, mở rộng gác lửng, sắm sửa thêm nội thất. Sau 1 tháng thi công với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng, ngôi nhà cũ kỹ, mang kiến trúc lâu đời đã "lột xác" hoàn toàn với gam màu trắng chủ đạo, thoáng đãng, nhẹ nhàng và mang đậm dấu ấn của nữ chủ nhân.
Phá bỏ một phần tường phòng khách để mở rộng cửa sổ, đưa thật nhiều ánh sáng tự nhiên vào trong nhà. Gam màu trắng chủ đạo kết hợp cùng nội thất đơn giản khiến không gian thêm phần thoáng đãng, nhẹ nhàng. |
Cầu thang dẫn lên nhà được ẩn giấu phía sau bức tường.
Gác lửng được mở rộng nhằm gia tăng diện tích sử dụng. Chị Trang chia sẻ đây cũng là phần khó thi công nhất vì nhà đã cũ, không thể làm gác lửng bê tông mà phải sử dụng dầm sắt hộp đan. |
Mặt khác, phòng sát mái nên cần xử lý chống nóng và đầu tư hệ thống điều hòa chất lượng tốt để có thể bố trí giường ngủ ở đây. Chị cũng giản tiện đồ đạc để giảm bớt tải trọng cho gác lửng. |
Góc nghỉ ngơi, vui chơi của cô con gái nhỏ.
Kết cấu cầu thang vẫn được giữ nguyên nhưng vách tường kính cũ kỹ được thay thế bằng tường trắng mang lại cảm giác mới mẻ. |
Góc nấu nướng tối tăm như "lột xác" hoàn toàn. Ô cửa nhỏ giúp phòng bếp thêm sáng và thoáng hơn. Hệ tủ màu trắng xinh xắn cho phép giấu gọn gàng mọi thứ bên trong. Chị Trang cũng cho lắp thêm 2 đợt gỗ để trưng bày lọ đựng gia vị và những chiếc bát xinh xinh. |
Góc lưu trữ đồ giờ đây trở thành phòng ăn. Đèn thả nan tre cùng cây xanh là cách để nữ chủ nhân mang hơi thở thiên nhiên vào không gian sống. |
Với toilet, chị Trang giữ nguyên thiết kế và cách bố trí, chỉ ốp lát lại gạch và thay mới thiết bị.
Khu giặt là ngay cạnh toilet.
Ban công được lát lại gạch, bố trí thêm ghế và nhiều chậu cây xanh.
Căn nhà có thể không cầu kỳ, lộng lẫy nhưng chị Trang vô cùng tâm đắc vì đáp ứng đủ những yêu cầu mà chị đặt ra - dễ lau chùi, vệ sinh; thoáng đãng, tận dụng được ánh sáng tự nhiên; gam màu trung tính làm tăng diện tích một cách trực quan. Không gian sống đủ rộng để con chị phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, ở đó, các thành viên trong gia đình được gắn kết với nhau.
Đáng chú ý hơn cả, sau khi tự sửa nhà và được bạn bè nhờ tư vấn thiết kế nhà cửa, chị Trang đã tìm được đam mê của chính mình và quyết định mở luôn một công ty thiết kế. Dưới đây là một vài kinh nghiệm mà bản thân chị đã đúc rút ra trong quá trình cải tạo nhà:
1. Dự trù thời gian và ngân sách phát sinh. Ban đầu, tổng thời gian cải tạo dự tính là 15 ngày nhưng trong quá trình sửa chữa thì con gái ốm nên chị phải tạm hoãn lại để chăm sóc bé, khiến thời gian thi công kéo dài hơn 1 tháng. Ngân sách cho quá trình cải tạo dự định khoảng 100-150 triệu đồng nhưng bị "đội" lên khoảng 200 triệu đồng do gia cố nhà.
2. Nhằm tiết kiệm chi phí, các vật liệu, từ sơn, vách thạch cao, sàn nhựa giả gỗ, gạch... chị chọn dòng bình dân nhưng có chất lượng tương đối tốt. Khoảng 2/3 nội thất trong nhà được sản xuất tại xưởng gỗ do chị làm chủ nên chi phí giảm được đáng kể. Nội thất, đồ dùng trong bếp được chị "canh" đúng đợt giảm giá để mua hàng, sản phẩm mây tre cũng được mua tận gốc nên giá thành rẻ.
3. Về thiết bị điện, chị ưu tiên các hãng bình dân và phổ biến.
4. Trước khi sửa nhà, cần đo đạc kỹ nhà, lập danh sách từng hạng mục, lựa chọn thợ giám sát và đơn vị cung cấp nguyên vật liệu.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khánh An