Mẫu Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp Mới Nhất 2024

Hiện nay, không ít cá nhân hay tổ chức có mong muốn thuê đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế. Các thông tin liên quan đến hợp đồng thuê đất nông nghiệp vì thế cũng được nhiều người tìm kiếm.

1. Thông Tin Liên Quan Đến Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp

Trước khi tìm hiểu về những nội dung cần có trong một hợp đồng thuê đất nông nghiệp được pháp luật công nhận, TinNhaDatVN.Com sẽ giúp độc giả làm rõ một số khái niệm và quy định liên quan đến loại hợp đồng này.

Đất Nông Nghiệp Là Gì?

Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng,…. Như vậy, loại đất này giữ vai trò quan trọng đối với ngành nông – lâm nghiệp khi là tư liệu sản xuất chủ yếu và cũng là đối tượng lao động.
Đất nông nghiệp được phân loại dựa trên mục đích sử dụng. Cụ thể, Luật đất đai 2013 quy định đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại khác nhau như sau:
  • Đất trồng cây hàng năm;
  • Đất trồng cây lâu năm;
  • Đất rừng sản xuất;
  • Đất rừng phòng hộ;
  • Đất rừng đặc dụng;
  • Đất nuôi trồng thủy sản;
  • Đất làm muối;
  • Đất nông nghiệp khác;
 Đất trồng lúa là đất nông nghiệp

Đất trồng lúa là đất nông nghiệp

  • Đất nông nghiệp là gì – 5 bước chuyển đổi đất nông nghiệp sang thổ cư
  • Đất rừng sản xuất là gì? 8 câu hỏi về đất rừng sản xuất (RSX)

Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp Là Gì?

Về khái niệm, hợp đồng thuê đất nông nghiệp có thể hiểu là một loại hợp đồng thể hiện sự cam kết, đồng thuận giữa chủ sở hữu đất nông nghiệp có nhu cầu cho thuê với cá nhân hoặc tổ chức có mong muốn được thuê mảnh đất đó.
Lúc này, hai bên thuê và cho thuê đất sẽ tiến hành thỏa thuận các điều khoản và ký kết hợp đồng thuê đất nông nghiệp. Chủ sở hữu sau đó sẽ chuyển giao quyền sử dụng mảnh đất cho người thuê. Người thuê cần tuân thủ thỏa thuận, sử dụng mảnh đất đúng mục đích trong khoảng thời gian quy định cũng như trả đủ tiền thuê cho bên còn lại.
Lưu ý rằng, các điều khoản này không được trái với quy định của pháp luật hiện hành. Về mục đích thuê đất, thường là để phục vụ kế hoạch kinh doanh hoặc sản xuất của cá nhân hay của tổ chức. Và dù là mục đích là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước.
Song song với đó, trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, các bên đều phải đảm bảo việc thực hiện đúng theo nội dung của các điều khoản đã được ký kết.

Các Đối Tượng Được Thuê Đất Nông Nghiệp

Căn cứ vào Luật đất đai 2013, các đối tượng được thuê đất nông nghiệp theo quy định bao gồm:
– Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất để sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
– Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129, Luật Đất đai 2013.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất muối, làm nông, lâm, ngư nghiệp.
 Cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp được thuê đất nông nghiệp

Cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp được thuê đất nông nghiệp

Điều Kiện Cho Thuê Đất Nông Nghiệp

Luật Đất đai 2013 quy định về các điều kiện cho thuê đất nông nông nghiệp như sau:
"- Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;
– Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;
– Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác."
Đặc biệt đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định cho thuê đất khi có một trong các văn bản sau đây:
– Văn bản chấp thuận của Thủ tướng đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;
– Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Chủ Thể Của Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp

Chủ thể của loại hợp đồng thuê tài sản này là:
– Bên cho thuê đất: chủ sở hữu có quyền sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất cần cho thuê.
– Bên thuê đất: tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu được thuê đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho những mục đích phù hợp với quy định của pháp luật.
Để có đủ khả năng thực hiện việc thỏa thuận, xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng thuê đất nông nghiệp, cũng có yêu cầu đối với chủ thể tham gia hợp đồng. Đó là cả hai bên đều phải đảm bảo có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Chủ thể của hợp đồng thuê đất nông nghiệp là bên thuê và bên cho thuê đất

Chủ thể của hợp đồng thuê đất nông nghiệp là bên thuê và bên cho thuê đất

Hình Thức Của Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp

Điều 502 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
"Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Đi kèm với đó, quy định của Luật đất đai 2013 như sau: Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Như vậy, hợp đồng này phải được các bên lập thành văn bản, có thể là hợp đồng thuê đất nông nghiệp viết tay. Lưu ý rằng cần thiết phải lập hợp đồng nông nghiệp theo hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực rõ ràng nhằm mục đích chắc chắn về quyền cũng như lợi ích của cả người thuê và người cho thuê đất nông nghiệp.
Hợp đồng thuê đất nông nghiệp phải được lập thành văn bản

Hợp đồng thuê đất nông nghiệp phải được lập thành văn bản

Nội Dung Của Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp

Theo đó, nội dung của hợp đồng này phải đảm bảo không vi phạm các quy định liên quan đến nội dung của hợp đồng về quyền sử dụng đất.
Đồng thời, hợp đồng về quyền sử dụng đất cũng được áp dụng các điều kiện và quy định chung về hợp đồng và nội dung của hợp đồng thông dụng có liên quan trong Bộ luật dân sự. Do vậy, nội dung của hợp đồng thuê đất nông nghiệp phải đảm bảo đáp ứng những điều kiện, quy định đó. Đồng thời phải tuân thủ theo đúng các quy định liên quan đến mục đích, thời hạn, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như các quyền và nghĩa vụ khác có theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là pháp luật về đất đai kèm theo với pháp luật có liên quan.
Các nội dung trong hợp đồng phải được chắc chắn rằng không thiếu mục đích, thời hạn và giá thuê. Bên cạnh đó, thông tin liên quan đến bất động sản là diện tích đất, mảnh đất nông nghiệp cho thuê cũng phải đảm bảo có đầy đủ trong nội dung của hợp đồng thuê đất nông nghiệp.

Một Số Lưu Ý Khi Soạn Thảo Và Ký Kết Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp

Trong quá trình thỏa thuận, soạn thảo và tiến tới ký kết thành công hợp đồng thuê đất nông nghiệp, sau đây là một số lưu ý cho mọi người:
– Bên có nhu cầu cho thuê đất nông nghiệp phải đảm bảo mình là chủ sở hữu hợp pháp của diện tích đất dự định cho thuê đó với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Khi không phải một cá nhân mà là một nhóm người tham gia ký kết hợp đồng thuê đất nông nghiệp, việc ký kết hợp đồng phải đảm bảo có đủ chữ ký và họ tên đầy đủ của tất cả các thành viên trong nhóm người đó. Đối với các trường hợp ký thay, cần phải có văn bản ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật về dân sự.
– Nếu tổ chức là các bên tham gia vào hợp đồng này, thì người đại diện hợp pháp của tổ chức đó sẽ thực hiện việc ký kết hợp đồng. Hợp đồng sẽ không được công nhận là có hiệu lực trong trường hợp thay vì người đại diện theo đúng quy định của pháp luật của tổ chức ký hợp đồng thì một người khác lại ký thay.
Các điều khoản trong hợp đồng sẽ chấm dứt khi:
  • Nhà nước thu hồi đất.
  • Hết thời hạn thuê và không được gia hạn.
  • Các bên quyết định chấm dứt hợp đồng.
  • Một trong các bên đơn phương kết thúc, hủy bỏ hợp đồng.
  • Bên thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết mà trong hộ gia đình của người đó không còn thành viên nào khác hoặc có nhưng không có nhu cầu tiếp tục thuê.
  • Do bị thiên tai nên diện tích đất thuê không còn được sử dụng.
  • Các trường hợp khác quy định của pháp luật.
 Khi thời hạn thuê hết và không được gia hạn thì các điều khoản trong hợp đồng sẽ chấm dứt

Khi thời hạn thuê hết và không được gia hạn thì các điều khoản trong hợp đồng sẽ chấm dứt

2. Mẫu Hợp Đồng Thuê Đất Nông Nghiệp

Dưới đây là mẫu hợp đồng thuê đất nông nghiệp mới nhất, các thông tin, điều khoản được nêu trong hợp đồng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Độc giả có thể sao chép về hoặc bấm để Download mẫu hợp đồng thuê đất nông nghiệp.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

————

HỢP ĐỒNG THUÊ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

– Nêu căn cứ pháp lý soạn thảo hợp đồng.
BÊN CHO THUÊ: (gọi tắt là Bên A):
Ông/Bà:………………………………………………
Ngày sinh:………………………………………………
CMND/CCCD số:……………Ngày cấp:…………Nơi cấp:……………………
Hộ khẩu thường trú:..………………………………………………
Là chủ sở hữu quyền sử dụng đất:………..
Mục đích sử dụng đất:…..; thời hạn sử dụng: lâu dài.
Căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở số….………
BÊN THUÊ: (gọi tắt là Bên B):
Ông/Bà:………………………………………………
Ngày sinh:………………………………………………
CMND/CCCD số:……………Ngày cấp:…………Nơi cấp:……………………
Hộ khẩu thường trú:..………………………………………………
Hai bên cùng nhau ký kết Hợp đồng thuê toàn bộ (một phần) quyền sử dụng đất với nội dung như sau:
ĐIỀU 1. ĐỐI TƯỢNG CỦA HỢP ĐỒNG
Bên A đồng ý cho bên B thuê toàn bộ (một phần) quyền sử dụng đất, diện tích:….m2 thuộc thửa đất số……………, tờ bản đồ số 2, địa chỉ thửa đất:…….; mục đích sử dụng đất:…….; thời hạn sử dụng: …………..
Phần diện tích và vị trí đất cho thuê bên A và bên B cam kết đã tự xác định bằng biên bản riêng.
ĐIỀU 2. THỜI HẠN CHO THUÊ
Thời hạn thuê quyền sử dụng đất nêu trên tại Điều 1 của Hợp đồng này là ……….kể từ ngày…….. đến ngày…………………
ĐIỀU 3. MỤC ĐÍCH THUÊ
Mục đích thuê quyền sử dụng đất nêu trên tại Điều 1 của Hợp đồng này là: thuê để làm….…
ĐIỀU 4. GIÁ THUÊ VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN
Giá cho thuê là:……
Tiền thuê được Bên B thanh toán cho Bên A bằng tiền mặt.
Phương thức thanh toán:……….
ĐIỀU 5. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN A
Bên A có các nghĩa vụ sau đây:
– Giao quyền sử dụng đất cho bên B theo đúng ngày Hợp đồng có giá trị và đảm bảo cho bên B được sử dụng đất trọn vẹn và riêng rẽ trong thời gian thuê;
– Đăng ký việc cho thuê quyền sử dụng đất;
– Chuyển giao đất đúng như đã thỏa thuận tại điều 1 nêu trên cho bên B;
– Kiểm tra, nhắc nhở bên B bảo vệ, giữ gìn đất và sử dụng đất đúng mục đích;
– Nộp thuế sử dụng đất;
– Báo cho bên B về quyền của người thứ ba đối với thửa đất, nếu có.
Bên A có các quyền sau đây:
– Yêu cầu bên B trả đủ tiền thuê;
– Yêu cầu bên B chấm dứt ngay việc sử dụng đất không đúng mục đích, huỷ hoại đất hoặc làm giảm sút giá trị của đất; nếu bên B không chấm dứt hành vi vi phạm, thì bên A có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng, yêu cầu bên B hoàn trả đất và bồi thường thiệt hại.
ĐIỀU 6. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN B
Bên B có các nghĩa vụ sau đây:
– Sử dụng đất đúng mục đích, đúng thời hạn thuê;
– Không được huỷ hoại, làm giảm sút giá trị sử dụng của đất;
– Trả đủ tiền thuê theo phương thức đã thoả thuận;
– Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường; không được làm tổn hại đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất xung quanh;
– Không được cho người khác thuê lại quyền sử dụng đất nếu không được bên A đồng ý bằng văn bản.
– Trả lại đất sau khi hết thời hạn thuê.
Bên B có các quyền sau đây:
– Yêu cầu bên A giao thửa đất đúng như đã thoả thuận;
– Được sử dụng đất ổn định theo thời hạn thuê đã thoả thuận;
– Được hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất.
ĐIỀU 7. CAM KẾT CỦA CÁC BÊN
Bên A và Bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cùng cam kết sau đây:
Đã khai đúng sự thật và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin về nhân thân đã ghi trong hợp đồng này.
Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả những thỏa thuận với Bên B đã ghi trong hợp đồng này; nếu bên nào vi phạm mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường cho bên kia hoặc cho người thứ ba (nếu có).
Trong trường hợp bất khả kháng mà không thể tiếp tục việc thuê nhà trên thì các bên có quyền chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo cho bên kia biết trong thời hạn 30 ngày. Trong thời hạn này, khi có sự thống nhất ý kiến của bên kia, hai bên có thể kết thúc hợp đồng cho thuê trước thời hạn.
ĐIỀU 8. TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG
Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết; trong trường hợp không tự giải quyết được, cần phải thực hiện bằng cách hòa giải; nếu hòa giải không thành thì khởi kiện đưa ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
ĐIỀU 9. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Hai bên đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng (chứng thực) này, sau khi đã được nghe lời giải thích của người có thẩm quyền công chứng dưới đây.
Hai bên đã tự đọc lại hợp đồng này, và xác định đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong hợp đồng này.
Hợp đồng này gồm 03 bản chính (mỗi bản gồm 05 tờ, 05 trang), có giá trị pháp lý ngang nhau. Mỗi bên giữ 01 bản, lưu tại Văn Phòng Công Chứng 01 bản.

BÊN THUÊ ĐẤT

(Ký, ghi rõ họ, tên, đóng dấu (nếu có)

BÊN CHO THUÊ ĐẤT

(Ký, ghi rõ họ, tên, đóng dấu (nếu có)

Trên đây là các thông tin tham khảo cũng như mẫu hợp đồng thuê đất nông nghiệp mới nhất. Lưu ý là mẫu hợp đồng này có thể chỉnh sửa và soạn thảo lại cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu thuê hoặc cho thuê đất nông nghiệp, bạn vẫn nên liên hệ với luật sư và các chuyên gia pháp lý để nhận được tư vấn chính xác theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.

Hà Linh